Lật tẩy một loạt chiêu lừa đảo cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa mua sắm cuối năm đã đến, các chiêu trò lừa đảo người dùng lại được những kẻ xấu giăng bẫy khắp nơi, mới có, cũ có.
Mua sắm online cần đề phòng bị nhà cung cấp hủy đơn hàng tại các sàn giao dịch uy tín, sau đó giao hàng kém chất lượng. Trong ảnh: giao nhận hàng sau khi mua online - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều người tưởng mình đã sành sỏi, cuối cùng vẫn mất tiền.
Mánh mới tráo hàng dù mua ở sàn uy tín
Anh Hồng Phúc (quận 7, TP.HCM) cho biết mình đã bị lừa mua hàng qua mạng bởi một thủ đoạn khá tinh vi: "Tôi lướt Facebook và thấy quảng cáo bán một sản phẩm khá rẻ trên một sàn thương mại điện tử. Tôi chọn mua ngay vì sàn giao dịch này rất nổi tiếng. 
Nhưng khi nhận hàng thì lại là một sản phẩm hoàn toàn khác. Khiếu nại, tôi được biết chủ cửa hàng đã âm thầm hủy lệnh giao dịch của tôi qua sàn thương mại điện tử. Sau đó, họ nhờ dịch vụ giao nhận thứ ba giao hàng cho tôi".
Theo cách này, sàn thương mại điện tử sẽ không chịu trách nhiệm do giao dịch lúc này chỉ còn là hai bên: mua và bán. Khi phát hiện mình bị lừa, anh Phúc không thể liên lạc được với chủ hàng.
Theo tìm hiểu, hiện một số sàn giao dịch lớn có quy định sau một khoảng thời gian nhất định (có thể 1-3 ngày) từ lúc người mua hàng đặt lệnh mua, nếu chủ cửa hàng không xác nhận có hàng và chuẩn bị đơn hàng thì đơn hàng sẽ tự động bị hủy.
Lợi dụng điều này, đã có chủ cửa hàng lừa người mua. Cách đơn giản nhất là họ tiếp xúc, chat chăm sóc khách hàng và lấy được thông tin của người mua (tên, địa chỉ giao hàng...). Sau đó, chủ cửa hàng sẽ thuê tiếp một bên giao hàng.
Do sản phẩm bán ngay từ đầu đã được chủ hàng dán mác "không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán" nên người mua phải trả tiền cho người giao hàng. 
Đến khi phát hiện đã bị lừa, họ không thể liên lạc được với người bán. Khi khiếu nại, người mua sẽ gặp khó vì đơn hàng đã bị hủy. Người mua muốn làm cho "ra ngô ra khoai" phải chịu khó mất thời gian lẫn tiền bạc.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất trong trường hợp này là người mua sau khi đặt hàng thành công nên liên tục theo dõi cập nhật tình hình đơn hàng của mình (được sàn giao dịch thông báo qua email). Nếu đơn hàng bị hủy mà vẫn thấy giao hàng, rất có thể bạn sắp thành "con mồi".
Nắm rõ rất nhiều thông tin của khách
Sau khi iPhone 11 chính hãng về Việt Nam, thị trường "quả táo cắn dở" khá sôi động. Nhiều người tìm mua sản phẩm mới, bán sản phẩm cũ để "lên đời". 
Chị Kim Ánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) bất ngờ hơn khi nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên của chuỗi cửa hàng bán lẻ FPT Shop thông báo "đã trúng thưởng một chiếc iPhone 11 trong chương trình minigame tổ chức trên fanpage Facebook của FPT". 
Mừng vì được "trời độ", trước đây từng nhiều lần mua đồ ở FPT Shop nên chị Ánh tin ngay.
"Nhân viên nêu đúng họ tên mình và cho biết mình từng là khách hàng của FPT Shop nên tôi tin. Tuy nhiên, tôi được yêu cầu phải gửi thanh toán tiền cước vận chuyển và đóng thuế, tổng 3 triệu đồng để nhận giải. Tôi gọi thẳng đến tổng đài của hãng mới được biết là chiêu trò lừa đảo" - chị Ánh kể.
Đại diện FPT Shop xác nhận đã nhận được khá nhiều phản ảnh và điều đặc biệt là những kẻ gọi đến lừa tiền thường nói được rõ ràng tên tuổi, quê quán, thậm chí là thông tin người thân (cha mẹ, anh chị...) của "khổ chủ", nên vẫn còn khách hàng bị lừa.
Một số hệ thống điện máy khẳng định mọi chương trình khuyến mãi chỉ được áp dụng khi khách hàng có mua hàng và đều được thông tin ngay thời điểm mua hàng. Khách hàng cần cảnh giác, vì hầu hết các khuyến mãi đều không yêu cầu trả thêm bất kỳ chi phí gì. Tốt nhất trong mọi trường hợp, khách hàng nên liên hệ tổng đài để xác tín.
Ví điện tử thành mục tiêu ưa thích
Mới đây, nhiều ngân hàng và đơn vị cung cấp ví điện tử đã cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn. Theo đó, đối tượng lừa đảo có thể mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên các đơn vị liên quan đến ngân hàng yêu cầu khách xác thực thông tin để... nâng cấp dịch vụ. 
Hoặc chúng thông báo cho khách hàng khi đăng ký các dịch vụ ngân hàng sẽ được hưởng khuyến mãi. Khi đó, đối tượng lừa đảo sẽ dụ khách hàng đăng ký dịch vụ kết nối tài khoản ngân hàng với ví điện tử và người tiêu dùng vô tình cung cấp các thông tin quan trọng để thanh toán.
Ngân hàng còn ghi nhận hiện tượng nhiều khách hàng làm thủ tục vay tiền trên mạng, đối tượng lừa đảo tìm cách yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng để hoàn tất thủ tục vay. Từ đó chúng sẽ lừa tiền.
Hiện nhiều khách hàng đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử để được tư vấn. Lợi dụng điều này, đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ. Sau đó, chúng sẽ yêu cầu khách cung cấp thông tin để khắc phục lỗi, nhưng thực chất là để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Lừa cả người bán hàng

Không chỉ người mua hàng, nhiều người bán hàng cũng bị "sập bẫy" chiêu lừa của kẻ xấu. Với mong muốn bán được nhiều hàng hơn trong mùa tết, chị Kim Ngân (TP.HCM) đã tìm đến các dịch vụ chia sẻ livestream bán hàng online trên mạng.

"Họ tư vấn rất nhiệt tình và kỹ, nên tôi chuyển khoản cho họ 3 triệu đồng tiền phí. Tuy nhiên, đến giờ phát livestream, họ đột nhiên chặn số điện thoại, xóa bỏ tài khoản Zalo, fanpage, Facebook và biến mất" - chị Ngân thuật lại và cho biết sau đó có lên Facebook chia sẻ với bạn bè thì được biết rất nhiều người cũng bị "sập bẫy".

Cẩn trọng khi khai vào đường link được gửi đến

Khi nhận các đường dẫn truy cập website có dấu hiệu lạ hay được đính kèm sẵn trong email, tin nhắn, người dùng không nên đăng nhập tài khoản Internet Banking (tên đăng nhập, mật khẩu) và không điền thông tin thẻ vào các đường dẫn này.

Bởi khi đăng nhập, các đường link này thường được thiết kế để lấy cả tài khoản ngân hàng, tên, địa chỉ email, password...

Đã có trường hợp một khách hàng dù biết nguy cơ lừa đảo nhưng... thử xem chúng tinh vi cỡ nào. Sau khi khai thông tin, khách hàng nhận được mã OTP. Nhập OTP vào trang web (theo link được gửi), khách liên tục được báo bị rút tiền.

Tá hỏa vì sao chỉ nhắn mã OTP một lần mà kẻ lạ rút tiền được gần 20 lần, khách hàng ngậm ngùi mất tiền vì với mã OTP đầu tiên, kẻ xấu đã dùng để thay đổi việc nhận OTP từ tin nhắn sang email. Mà email thì khách hàng vừa cung cấp cả địa chỉ và password qua đường link được gửi đến.

Tiến Mạnh-Đ.Thiện

Đức Thiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.