Hàng Việt "chạy đua" giữ chân người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 2 năm gần đây, sức tiêu thụ hàng Việt đã tăng lên đáng kể. Nhận thấy tiềm năng từ thị trường trên 93 triệu người tiêu dùng nội địa, nhiều doanh nghiệp Việt đã cải tiến mạnh mẽ chất lượng, mẫu mã sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.
Hàng sản xuất trong nước được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Kh.V 
Hàng Tết vào siêu thị: Trên 90% là hàng Việt
Cầm trên tay túi gạo Đồng Tháp 5kg đóng trong  bao bì màu xanh với  những bông lúa sẫm vàng khá hấp dẫn, bà Ngô Việt Hà (phố Quang Trung-Hà Đông-Hà Nội) vui vẻ chia sẻ: Trước đây tôi hay mua gạo tám đỏ Thái Lan vì có mùi thơm dịu, cơm dẻo và mềm. Nhưng nay tôi chuyển sang ăn các loại gạo thơm Đồng Tháp, gạo Séng Cù, Japonica trồng trong nước dẻo ngon không kém gạo nhập ngoại nhưng lại đậm cơm hơn.
Ghi nhận tại một số siêu thị  lớn tại Hà Nội như: Big C Thăng Long, Aeon Mall, Lote, Mega Mall…, cho thấy: Lượng hàng hóa phục vụ Tết 2020 rất phong phú và đủ chủng loại cho các phân khúc thị trường. Không riêng gì gạo ngon, bánh kẹo, mà các mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm thực phẩm chế biến sẵn, giăm bông, xúc xích, giò, chả, hàng may mặc cũng được ưu tiên tại các vị trí dễ nhìn thấy trên các kệ hàng và thu hút sự quan tâm của người mua.
Tại TPHCM, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với kinh phí trên 19.027 tỉ đồng, tăng 602,5 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị cho Tết Kỷ Hợi 2019.
Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro, thời gian qua, hàng Việt đã cải thiện cả về mẫu mã và chất lượng, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông cũng thông tin: Hệ thống Co.opmart hiện có 124 siêu thị hoạt động trên 800 điểm với mặt hàng Việt, thuần Việt chiếm 98%.
Hàng Việt Nam được ưu tiên ở vị trí dễ nhìn thấy trên kệ hàng. Ảnh: Kh.V 
"Vào dịp cận Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, mức độ tiêu thụ hàng Việt Nam lớn hơn hàng nhập khẩu rất nhiều, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng vùng miền địa phương. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, hàng Việt giữ mức tăng trưởng 15 - 40% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy chất lượng hàng Việt ngày càng được cải thiện, được người tiêu tiêu dùng tin tưởng ưu tiên sử dụng"-bà Dung chia sẻ.
Dần thay đổi thói quen “sính ngoại”
Theo ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, hơn 10 năm triển khai trực tiếp Cuộc vận động “Người Việt  Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op  luôn ưu tiên cho hàng Việt từ chính sách thu mua đến trưng bày quảng bá, duy trì tỉ lệ hàng Việt ổn định ở mức trên 90% trong hệ thống kinh doanh. Qua đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, từ tâm lý sính ngoại đã dần chuyển sang sử dụng, góp ý và nhiệt tình ủng hộ hàng Việt.
Có mặt tại siêu thị Big C Thăng Long chiều 5.1.2020, PV ghi nhận hàng hóa phục vụ người tiêu dùng chủ yếu là hàng Việt, trong đó, riêng các loại bánh kẹo đóng hộp phục vụ Tết, hàng Việt là chủ đạo chiếm trên 95%, trong đó tập trung vào các thương hiệu có uy tín như Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hương Việt, Hải Hà, Vinabico, Orion…
“Các hãng Kinh Đô, Bibica, Orion có bao bì đóng gói rất đẹp, nhiều hộp bánh lớn, thiết kế không khác gì hàng ngoại, dùng làm quà tặng song thân, sếp, bạn bè, đồng nghiệp rất phù hợp, giá lại rẻ bằng nửa bánh kẹo ngoại, em thấy phù hợp với thu nhập của em”-bạn Đào Quang Hưng (trú tại tầng 6 - Tòa nhà Sông Hồng -Thái Hà, Đống Đa), chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông, tư duy sản xuất hàng Việt Nam của các doanh nghiệp mỗi năm đều có sự dịch chuyển đáng kể. “Nếu như trước dây, các nhà sản xuất đều quan tâm đến hàng nhập khẩu, thì nay thị trường nội địa cũng được quan tâm không kém, như vậy, chất lượng hàng hóa cũng ngày càng được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của người dân”- bà Dung nhận định.  

Dự kiến tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2020 khoảng 31.200 tỉ đồng (tăng 10% so với Tết Nguyên đán 2019), trong đó ưu tiên cho 7 mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến…

(Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội)

L.V (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

‘Bão’ giá cà phê

‘Bão’ giá cà phê

Ngày thứ 2 liên tiếp, các sàn giao dịch cà phê thế giới tăng giá đến 3 con số. Giá cà phê nội địa cũng tăng lên mức cao chót vót, càng khiến nhiều người phân vân không biết nên bán hay tiếp tục giữ hàng.