Giá thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku "hạ nhiệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 30-1 (mùng 6 Tết), hầu hết tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống ở các chợ trên địa bàn TP. Pleiku đã trở lại buôn bán. Dù sức mua đối với các mặt hàng này bắt đầu tăng nhưng giá cả cơ bản đã “hạ nhiệt” so với những ngày trước đó, chỉ một số loại thực phẩm do nguồn cung hạn chế nên giá vẫn còn ở mức cao.
Khảo sát tại một số chợ cho thấy, mặt hàng thực phẩm được các tiểu thương bày bán với số lượng tương đối dồi dào, giá nhiều loại đã giảm, nhất là mặt hàng rau xanh, trái cây. Chị HRe (làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) bán rau tại khu vực chợ đêm Pleiku cho biết: “Từ mùng 4 Tết, tôi đã ra chợ bán trở lại. Giá rau xanh sau Tết đã giảm mạnh vì nguồn cung từ các nhà vườn rất dồi dào. Nếu những ngày áp Tết, giá rau ăn lá là 6 ngàn đồng/bó thì nay chỉ còn 4 ngàn đồng/bó; các loại như cà rốt, dưa leo, đậu cô ve, súp lơ xanh giá chỉ 10 ngàn đồng/kg, giảm một nửa so với trước Tết”.
  Thịt bò, hải sản vẫn còn giữ  giá cao như ngày Tết. Ảnh: V.T
Thịt bò, hải sản vẫn còn giữ giá cao như ngày Tết. Ảnh: V.T
Cùng với rau xanh, mặt hàng trái cây cũng giảm giá đáng kể, chỉ có các loại thường được mua bày mâm ngũ quả cúng đầu năm như đu đủ, xoài, mãng cầu, thanh long, dừa là vẫn còn cao. Chị Nguyễn Thị Hồng-tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku-cho hay, hầu hết các loại trái cây đều giảm giá so với trước Tết. Cụ thể, cam từ 40 ngàn đồng/kg giảm còn 30 ngàn đồng/kg, táo từ 90 ngàn đồng/kg giảm còn 80 ngàn đồng/kg, dưa lưới từ 80 ngàn đồng giảm còn 70 ngàn đồng/kg, bưởi 80 ngàn đồng/kg giảm còn 65 ngàn đồng/kg… Giá trái cây tuy giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với ngày thường.
Trong khi giá các mặt hàng rau xanh, trái cây đã “hạ nhiệt” so với mấy ngày trước thì thịt bò, thủy-hải sản vẫn còn giữ giá khá cao, thậm chí giá thịt bò còn cao hơn trước Tết đến 20 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân là vì thời điểm này, người dân thường tiêu thụ thịt bò và hải sản nhiều hơn trước Tết nên sức mua tăng mạnh. Mặt khác, đầu năm chỉ ít lò mổ bò nên nguồn cung ít, dẫn đến giá khá cao. Hiện thịt bò thăn có giá 350-370 ngàn đồng/kg, thịt bò đùi 300-320 ngàn đồng/kg. Cùng với đó, thịt gà, thịt heo vẫn giữ giá ngang bằng những ngày áp Tết. Cụ thể, thịt gà ta có giá 160 ngàn đồng/kg, gà thả vườn làm sẵn 130 ngàn đồng/kg, sườn non 160 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ 140 ngàn đồng/kg, thịt đùi 150 ngàn đồng/kg… “Giá thịt heo trước đó đã tăng rất mạnh nên nhiều người dân có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác. Từ ngày mùng 3 Tết đến nay, sức mua thịt heo khá chậm, trung bình mỗi ngày, tôi bán được vài chục ký thịt. Thường phải qua Rằm tháng Giêng, việc buôn bán mới đắt hàng trở lại”-chị Lê Thị Lệ Thủy-tiểu thương ở chợ Yên Thế-chia sẻ.
Thời điểm này, sức mua mặt hàng thịt không bằng các mặt hàng thủy-hải sản. Trong đó, cá biển, cá đồng, tôm, mực bán khá chạy, giá vẫn “neo” ở mức cao như ngày Tết. Chị Nguyễn Lan Chi (hẻm 22 Ký Con, TP. Pleiku) cho biết: “Bình thường ở các chợ Biển Hồ, Yên Thế, người bán cá đồng, cá biển ngồi thành dãy, nhưng mấy hôm nay khá là ít người bán, hàng cũng không đa dạng mà giá thì lại quá cao. Nhiều loại còn tăng giá cao như tép đồng sống bình thường 150 ngàn đồng/kg nay lên đến 230 ngàn đồng/kg, cá lóc trước chỉ 120 ngàn đồng/kg thì giờ lên 170 ngàn đồng/kg. Chỉ có các loại cá nuôi như diêu hồng, trắm, mè mới bằng giá như ngày thường”.   
Theo chị Đặng Thị Đức-tiểu thương bán hải sản ở chợ Hoa Lư, hiện tại, nguồn hàng hải sản vẫn khan hiếm, giá nhập rất cao nên buộc giá bán cũng phải tăng theo. Tôm thẻ hiện có giá 200-250 ngàn đồng/kg (giảm 10 ngàn đồng/kg so với trước Tết), mực 280-350 ngàn đồng/kg (giảm 20 ngàn đồng/kg), cá ngừ lát 140 ngàn đồng/kg (giảm 10 ngàn đồng/kg), cá thu, cá bớp 300 ngàn đồng/kg (bằng giá ngày Tết). “Số lượng khách mua sau Tết không bằng mọi năm do giá vẫn còn rất cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mạnh tay mua hàng bởi họ muốn thay đổi khẩu vị ăn sau những ngày Tết nên lượng hàng bán ra cũng tương đối”-chị Đức cho hay.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.