Việt Nam và những nỗ lực trong hợp tác Mê Kông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều tổ chức trong khu vực cũng như quốc tế như MRC, ASEAN, ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc, Diễn đàn nước thế giới, Tổ chức lưu vực sông quốc tế… với mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Khu vực Mê Kông bao gồm 5 quốc gia gắn kết bởi dòng sông Mê Kông là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Cách đây hơn 5 năm (4-2014), Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MRC) tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mê Kông”. Trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục tổ chức 1 phiên thảo luận về an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132 tại Hà Nội và Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM “Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình Chương trình Nghị sự sau 2015” tại Bến Tre.

Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề “Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình Chương trình Nghị sự sau 2015” tại Bến Tre. Ảnh: vnmc
Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề “Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình Chương trình Nghị sự sau 2015” tại Bến Tre. Ảnh: vnmc

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia và thúc đẩy nội dung về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước trong các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như: Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Sáng kiến Hạ nguồn Mê Kông (LMI) của Mỹ, hợp tác Mê Kông-Nhật Bản, Mê Kông-Hàn Quốc, Mê Kông-Lan Thương. Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác Mê Kông-Lan Thương, nước ta đã chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại cơ chế hợp tác này; tích cực thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác nguồn nước và việc thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Kông-Lan Thương tại Trung Quốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đã và đang tham gia tích cực với Nhóm công tác về nguồn nước để giúp chúng ta có cơ hội trao đổi, đối thoại với Trung Quốc về hợp tác phát triển bền vững sông Mê Kông-Lan Thương.

Đối với việc phát triển các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, là quốc gia hạ lưu, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu các quốc gia thượng lưu tuân thủ các quy định của Hiệp định Mê Kông năm 1995 và các văn bản liên quan; đồng thời chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu như: “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mê Kông đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long” của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (có mời chuyên gia của Lào và Campuchia tham gia) năm 2015; “Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mê Kông, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính” năm 2017 của MRC. Kết quả nghiên cứu của các dự án trên đều là cơ sở khoa học khách quan để đánh giá các tác động và tìm ra giải pháp toàn diện, lâu dài, đáp ứng thỏa đáng lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với Hiệp định Mê Kông năm 1995.

Thông báo Nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông do Việt Nam khởi xướng tại Phiên họp lần thứ 22 Hội đồng MRC. Ảnh: vnmc
Thông báo Nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông do Việt Nam khởi xướng tại Phiên họp lần thứ 22 Hội đồng MRC. Ảnh: vnmc

Mặt khác, trong hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước, Việt Nam đã tích cực cùng với các nước thành viên MRC đàm phán và hoàn thành các quy định và thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước hiện tại, thông báo và trao đổi ý kiến trước về sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông để cụ thể hóa Hiệp định Mê Kông và trách nhiệm của các nước thành viên trong việc bảo vệ nguồn nước con sông này.

Cũng trong tháng 4-2014, Việt Nam chính thức tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì các mục đích phi giao thông thủy năm 1997. Thời điểm ấy, việc tham gia của nước ta được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao, bởi lẽ ta là thành viên thứ 35 tham gia, vừa đủ để Công ước chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2014. Đến nay, Công ước có 36 thành viên tham gia và trong MRC, Việt Nam là nước đầu tiên. Hiện chúng ta cũng đang tích cực vận động các thành viên ASEAN và các nước khác xem xét tham gia Công ước, qua đó góp phần tăng cường các cơ chế pháp lý, tạo thuận lợi cho việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Kông.

Song song với đó, vấn đề thúc đẩy hợp tác với những nước tham gia hợp tác Mê Kông cũng được các quốc gia thành viên của MRC, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm chú trọng trong nhiều thập kỷ qua. Nếu trong giai đoạn đầu, hợp tác Mê Kông chỉ tập trung trong nội bộ các nước ven sông thì sau này đã mở rộng thêm nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước Mê Kông với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… Hiện nay, MRC có 14 đối tác phát triển và đang tích cực thúc đẩy rộng hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có sông Hằng (qua 5 nước châu Á: Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Buhtan và Bangladesh); sông Danube (qua 10 nước châu Âu: Đức, Áo, Hungary, Slovakia, Croatia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraine, Romania); sông Nile (qua 4 nước Bắc Phi: Uganda, Ethiopia, Ai Cập, Sudan); sông Amazon (qua 8 nước Nam Mỹ: Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Surriname, Venezuela) và sông Mississippi (Canada, Mỹ).

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: ĐCSVN
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: ĐCSVN

Theo 26 thỏa thuận tài trợ hiện này cho 13 chương trình, dự án của Mê Kông, hằng năm khoản tài trợ từ các nước đối tác chiếm khoảng 12-15 triệu USD. Tuy nhiên, các khoản này sẽ giảm dần theo lộ trình Ven sông hóa để 4 nước hạ lưu tự chủ hoàn toàn về tài chính cho các hoạt động của Ủy hội từ năm 2030. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Mekong, Việt Nam đã và đang tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mê Kông, cùng với các thành viên xây dựng cơ chế làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh của các bên tham gia và đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực.

Có thể nói, các cơ chế hợp tác tại khu vực Mê Kông mang ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Với thế và lực được nâng cao cùng kinh nghiệm phát triển và hội nhập quốc tế được tích lũy gần 30 năm qua, Việt Nam có khả năng và điều kiện tốt hơn khi tham gia hợp tác Mê Kông; qua đó, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.

M.T (t/h)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.