Việt Nam thực hiện tham vấn quốc gia Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pắc Lay là công trình thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính sông Mê Kông. Là một quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Việt Nam có vai trò quan trọng trong các đợt tham vấn cho các dự án thủy điện trước đây và trong các hoạt động tham vấn đối với Dự án thủy điện Pắc Lay của Lào.

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam thông tin: Việc tham vấn về dự án thủy điện được Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế thực hiện trong suốt quá trình, từ khi lấy ý kiến tham vấn, thực hiện xây dựng và trong cả quy trình vận hành công trình sau này. Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam hiện đã lập cơ sở dữ liệu về các tác động của Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay, chia sẻ, kịp thời cập nhật thông tin đến các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam xung quanh một số vấn đề liên quan đến việc tham vấn cho Dự án thủy điện
Ông Lê Đức Trung-Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nói về một số vấn đề liên quan đến việc tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Lay. Ảnh:vnmc

Pắc Lay là công trình thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính sông Mê Kông (sau Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông và Pắc Beng) nằm ở tỉnh Xay-nha-bu-ly, vùng bắc Lào và cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (biên giới giữa Việt Nam và Campuchia) khoảng 1.615 km. Công suất của nhà máy này là 770 MW, lượng điện sản xuất ra dự kiến phần lớn sẽ bán cho Thái Lan (85%) và phần còn lại (15%) Lào sẽ sử dụng.

Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tham gia hoạt động tham vấn cho dự án với mục tiêu giúp Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan đánh giá tác động của công trình Pắc Lay, bao gồm cả tác động xuyên biên giới, trong bối cảnh tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính. Đồng thời, kế hoạch tham vấn giúp Việt Nam tham gia một cách tích cực, hiệu quả và có tính xây dựng trong quá trình tham vấn vùng cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tổ chức.Hoạt động này giúp các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng có liên quan ý thức, hiểu các quan điểm của Việt Nam đối với dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay nói riêng và phát triển thủy điện thượng nguồn nói chung... 
Kế hoạch thực hiện tham vấn của Việt Nam đối với Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay có các hoạt động chính, gồm: Nhóm công tác kỹ thuật quốc gia trợ giúp về kỹ thuật cho quá trình tham vấn bằng việc đưa ra các ý kiến của chuyên gia về thiết kế, vận hành, tác động, các biện pháp giảm thiểu tác động của công trình thủy điện Pắc Lay, góp ý cho báo cáo kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.

Bản đồ 11 công trình thủy điện dòng chính trên sông Mê Kông. Ảnh: internet
Bản đồ 11 công trình thủy điện dòng chính trên sông Mê Kông. Ảnh: internet

Đối với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông, mối quan tâm của Việt Nam không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình thủy điện riêng lẻ mà còn cả tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thuỷ điện dòng chính, của phát triển thuỷ điện thượng nguồn sông Mê Kông và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Mối quan tâm của Chính phủ Việt Nam thông qua việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh các thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế, tăng cường quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mê Kông vì sự thịnh vượng chung của khu vực.

Đối với các dự án thuỷ điện đã được tham vấn trước đây, các chủ đầu tư thường chỉ tập trung vào thiết kế công trình mà ít chú ý đến đánh giá tác động (đặc biệt là các tác động xuyên biên giới), quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng… Tuy nhiên, từ tham vấn Dự án thủy điện Pắc Beng, các quốc gia thành viên đã thống nhất giao Ban Thư ký Uỷ hội giúp Chính phủ Lào trong các hoạt động nói trên và tiếp tục như vậy đối với Dự án thủy điện Pắc Lay.

Hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Mê Công tổ chức vào tháng 1-2019 tại TP. Cần Thơ.
Hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Mê Công tổ chức vào tháng 1-2019 tại TP. Cần Thơ. Ảnh: internet

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, nêu rõ: Không chỉ vì gần đây sự cố vỡ đập ở vùng Nam Lào xảy ra mà Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế mới xem xét vấn đề an toàn đập. Theo Hướng dẫn thiết kế các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông của Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế (được ban hành từ năm 2001 và hiện đang được cập nhật), các lĩnh vực sẽ phải được đánh giá tác động bao gồm: thuỷ văn thuỷ lực, phù sa bùn cát, chất lượng nước và sinh thái thuỷ sinh, thuỷ sản, giao thông thuỷ, kinh tế xã hội và an toàn đập. Các tiêu chuẩn về an toàn đập Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế áp dụng trong Hướng dẫn đều dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn về an toàn đập của thế giới.

“Trong quá trình tham vấn, đối với vấn đề an toàn đập, các yếu tố rủi ro có thể dẫn tới đe dọa an toàn đập bao gồm: rủi ro do chế độ dòng chảy (lũ lớn từ thượng nguồn đổ về), rủi ro về địa chất như động đất/địa chấn, thiết kế không phù hợp, sự cố trong quá trình thi công và vận hành công trình…đều được xem xét. Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế luôn yêu cầu Chủ đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ và đẩy đủ các hướng dẫn nói trên trong tất cả các giai đoạn của dự án: từ khảo sát, thiết kế, đến thi công và vận hành công trình, đặc biệt là trong khảo sát, thu thập thông tin số liệu, xây dựng hệ thống quản lý về an toàn đập, phân tích rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Sự cố vỡ đập ở vùng Nam Lào đã gây ra những tổn thất to lớn về người và tài sản của Lào, đã rung lên hồi chuông báo động về yêu cầu an toàn cho các công trình thuỷ điện không chỉ của Lào mà của tất cả các quốc gia khác. Đối với công trình trên dòng chính, an toàn đập chắc chắn có ảnh hưởng xuyên biên giới, do vậy Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế và các quốc gia thành viên sẽ xem xét kỹ việc tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế công trình trong quá trình tham vấn, và sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn này trong phương án thi công và vận hành công trình”- Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Lê Đức Trung nhấn mạnh.

PV (th)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.