Người Việt bán hàng trên Amazon có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Bernard Tay, giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, cho biết sau một năm trang bán hàng trực tuyến hàng đầu thế giới của Mỹ có trang web bán hàng tiếng Việt cho người bán hàng, số người Việt tham gia kinh doanh tăng vọt.
Amazon Global Selling đang cung cấp nhiều dịch vụ và công cụ để giúp người bán hàng tìm kiếm, thu hút và gắn kết hàng triệu khách hàng - Ảnh: N.BÌNH
Với vai trò là kênh thương mại điện tử có hơn 300 triệu tài khoản thành viên mua hàng thường xuyên từ 185 quốc gia, vùng lãnh thổ, Amazon đang là nền tảng đưa hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân đi khắp thế giới. Các nhà bán hàng Việt Nam tham gia được hưởng điều kiện bán hàng như doanh nghiệp bán hàng nội địa ở Mỹ.
Chia sẻ thông tin trên tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới lần đầu tiên được Amazon Global Selling phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tại TP.HCM ngày 4-12, ông Bernard Tay cho biết trang web hỗ trợ bán hàng tiến Việt từ khi ra mắt đến nay đã đạt 50.000 lượt truy cập mỗi tháng trong khi trang mạng xã hội của Amazon Global Selling bằng tiếng Việt cũng đã thu hút 18.000 người theo dõi.
"Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của người bán hàng ở Việt Nam. Sau một năm triển khai, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng bán hàng cao nhất khu vực", ông Bernard Tay cho biết.
Theo đánh giá của các nhà kinh doanh đến từ Amazon, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, cũng như nguồn cung ứng lao động dồi dào, với nhiều tài năng trẻ và cộng đồng mạng lớn.
Tuy nhiên, so với tiềm năng sản xuất, đến nay mức độ khai thác sản phẩm Việt để đưa lên sàn thương mại điện tử là chưa tương xứng.
Ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết trong năm 2020, cục và Amazon sẽ thực hiện các chương trình hợp tác chặt chẽ và có quy mô lớn hơn nữa trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử, tăng hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, cục và Amazon sẽ nỗ lực phối hợp để tuyển dụng và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu những mặt hàng chiến lược để thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa trên Amazon.
"Online chỉ là một bước ban đầu, các bước tiếp theo phải làm sao xây dựng được chiến lược, giúp các nhà bán hàng đưa được sản phẩm xuyên biên giới. Chương trình hợp tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề khúc mắc trong liên kết, hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp VN như thủ tục hoàn thuế, đăng ký mở tài khoản trên Amazon thông qua hóa đơn điện tử, giải quyết cho doanh nghiệp thuận lợi nhất khi tiếp cận thương mại điện tử", ông Phú cho biết.
Ngoài ra, trong thời gian tới cục sẽ mở rộng hoạt động của mình ngoài khu vực TP.HCM và Hà Nội đến các tỉnh, thành phố và hoạt động hỗ trợ đến các địa phương có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một kênh thương mại quan trọng cho việc xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay có tới 32% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
N.Bình (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.