Ngành gỗ Việt Nam, hành động sớm để không bị vạ lây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi các doanh nghiệp gỗ trong nước chưa tận dụng hết được tiềm năng để phát triển, thì lại đang đối mặt với nhiều rủi ro mới, đặc biệt là về gian lận thương mại. Để không bị vạ lây, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần sớm có hành động quyết liệt.
Nguồn gốc xuất xứ là rủi ro của ngành gỗ hiên nay
Nguy cơ được báo trước
Theo bà Cao Thị Cẩm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), ngành gỗ Việt có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển, nhưng các doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế. Không những thế, ngành này đang chịu tác động mạnh từ diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam.
Theo bà Cẩm, có một số nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi, bao gồm các yêu cầu về tính pháp lý của mặt hàng gỗ tại các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc hay Nhật Bản ngày càng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra những dịch chuyển về cung - cầu đồ gỗ.
Ngành gỗ Việt Nam đã và đang có những ứng phó tích cực nhằm đáp ứng với các thay đổi này, bao gồm cơ chế chính sách mới của Nhà nước và thay đổi trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends, các thay đổi trong thương mại toàn cầu đang tạo ra một số rủi ro mới cho ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là rủi ro trong gian lận thương mại và trong nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Trong đó, loại hình rủi ro thứ nhất có xu hướng ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Nguy cơ một số mặt hàng gỗ Trung Quốc lấy nhãn mác của Việt Nam rồi xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh mức thuế cao là hiện hữu. Điều này rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt và kịp thời, nhiều khả năng ngành gỗ Việt Nam sẽ bị vạ lây.
Loại hình rủi ro thứ 2 hình thành khi Chính phủ đang thực hiện cam kết đảm bảo toàn bộ các mặt hàng gỗ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là sản phẩm hợp pháp, trong khi cung gỗ nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ hiện vẫn còn sử dụng một lượng lớn gỗ là rừng tự nhiên, được khai thác từ các quốc gia có hệ thống quản trị rừng yếu kém như tại các nước châu Phi, Campuchia và Papua NewGuine.
Ngành gỗ đang bị động bởi diễn biến phức tạp của thương mại thế giới
Theo các chuyên gia, trong các mặt hàng gỗ, thì gỗ dán, gỗ ghép là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu có rủi ro cao và nằm ở khâu gian lận thương mại.
Cụ thể, một số sản phẩm thuộc nhóm này được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau khi sơ chế hoặc không sơ chế lấy giấy chứng nhận xuất xứ (CO) của Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện Cơ quan Thương mại Mỹ đang điều tra một số công ty của Trung Quốc nhập khẩu gỗ dán vào thị trường này gắn xuất xứ Việt Nam.
Không chỉ Mỹ, theo thông tin của Bộ Công thương, Cơ quan Thương mại Hàn Quốc cũng đang xem xét khả năng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam.
Ở góc độ khác, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch VIFORES cho biết, mặc dù ngành gỗ những năm gần đây có sự đột phá trong xuất khẩu, nhưng mới chỉ bán hàng ở phần ngọn. Tức là bán hàng tại các cảng ngay tại Việt Nam, nên giá thành rẻ, chưa khai thác triệt để được lợi nhuận. Mặt khác, đây cũng chính là những rủi ro, các doanh nghiệp luôn bị động, phụ thuộc vào các đơn hàng nước ngoài.
Hơn nữa, hàng năm vẫn còn một lượng nhỏ gỗ tròn/gỗ xẻ thô như Dầu, Sa Mộc, Căm Xe, Hương được xuất khẩu từ Việt Nam. Đây là các loài có nguồn gốc từ nhập khẩu, từ các nguồn có rủi ro cao về pháp lý như từ Campuchia hoặc châu Phi. Việc làm này rất dễ bị các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… tuýt còi, phạt thẻ.
Sớm hành động
Trước các rủi ro có thể xảy ra với ngành gỗ Việt Nam, nhất là về gian lận thương mại và nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, theo đại diện VIFORES, các cơ quan quản lý và ngành gỗ cần có những cơ chế hiệu quả để ngăn chặn kịp thời.
Điều đáng mừng là Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành đã sớm nhận ra những rủi ro này và đã có các biện pháp để kiểm soát.
Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định thướng đầu tư nước ngoài, với mục tiêu lựa chọn các đầu tư có chất lượng, loại bỏ các hình thức đầu tư chui, đầu tư núp bóng. Các cơ quan quản lý cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, chủ động tiếp cận thông tin, hợp tác với các cơ quan thương mại của các nước, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn.
Mới đây nhất, ngày 12/11/2019, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BCT về tạm dừng việc tạm nhập cũng như xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam đi Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ 27/12/2019 kéo dài hết năm 2024.
Theo Bộ Công thương, động thái này là nhằm tăng cường quản lý xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Doanh nghiệp gỗ cần liên kết để lấy lại sân nhà
Theo đó, Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ đối với mặt hàng gỗ dán thuộc nhóm HS 44.12 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính; áp dụng đối với thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro về gian lận, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần gia tăng hơn nữa các biện pháp sàng lọc, bao gồm cả kiểm soát các hoạt động đầu tư mới vào ngành gỗ.
Theo bà Cẩm, Chính phủ nên thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại. Tổ công tác cần bao gồm các cơ quan quản lý trực tiếp có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, hải quan, đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp CO và VIFORES. Các thành viên của tổ công tác cần thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin, thực hiện các biện pháp kiểm tra giám sát, đưa ra các quyết định xử lý nhanh và hiệu quả khi có việc vi phạm xảy ra.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để loại bỏ càng sớm càng tốt các loại gỗ tròn, gỗ xẻ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
Ngoài ra, Chính phủ đặt ra mục tiêu hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp sẽ đi vào vận hành và giấy phép FLEGT sẽ được cấp cho các mặt hàng gỗ xuất khẩu đi EU trong một vài năm tới. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ nên lựa chọn các ưu tiên về giảm thiểu, dẫn tới xóa bỏ rủi ro theo ngắn, trung và dài hạn.
Theo ông Trần Lê Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong ngắn hạn, các nguồn cung có rủi ro rất cao như nguồn cung từ Campuchia cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Trong bối cảnh Chính phủ Campuchia gần đây đang có những biện pháp mạnh mẽ nhằm chống nạn gỗ lậu, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam nên thực hiện việc kết nối, nhằm trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong giảm thiểu rủi ro từ luồng cung này.
“Trong trung và dài hạn, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đại diện là các hiệp hội gỗ cần tích cực thu thập thông tin về chuỗi cung về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia châu Phi và một số nguồn cung mới. Thông tin thu thập bao gồm các cơ chế, chính sách quản lý các khâu khác nhau của chuỗi và tình trạng thực thi pháp luật tại các quốc gia cung gỗ này. Hợp tác, yêu cầu kết nối thông tin, bao gồm thông tin về cơ chế chính sách và về xuất nhập khẩu, giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam và các cơ quan quản lý liên quan của nước xuất khẩu là điều hết sức cần thiết”, ông Huy cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tôn Quyền khiến nghị thêm, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển thị trường gỗ nội địa để tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gỗ cần phải có bước thay đổi cả về tư duy, công nghệ và hình thức kinh doanh, như hỗ trợ, liên kết lại với nhau để giảm rủi ro và tạo ra sức mạnh phòng ngừa sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp nước ngoài.
Nhất Nam (ĐTCK)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.