Có "chiêu" mới, thép Trung Quốc tiếp tục làm khổ doanh nghiệp Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ nhưng tình trạng gian lận thương mại vẫn gia tăng. Các sản phẩm thép Trung Quốc “đi đường vòng” sang nước thứ 3 nhập và bán phá giá tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước lao đao.
Bị áp thuế, thép Trung Quốc “đi vòng” qua Malaysia
Từ tháng 8/2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau đó, đến tháng 10/2019, Bộ Công Thương quyết định gia hạn thêm 5 năm kể từ ngày 26/10 đối với biện pháp chống bán phá giá được áp dụng cho một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Trước những biện pháp phòng vệ quyết liệt, các doanh nghiệp thép của Việt Nam đã “dễ thở” hơn trước. Những dự án, nhà máy, dây chuyền được đầu tư để phát triển ngành thép trong nước.
Cụ thể, theo sự khuyến khích đầu tư từ Chính phủ, Posco SS Vina được thành lập và sản xuất, cung cấp thép hình chữ H chất lượng cao cho thị trường xây dựng trong nước. Được biết, đây là sản phẩm vốn chưa có nhà máy nào có nhiều kinh nghiệm sản xuất tại Việt Nam. 
Dù dã áp dụng nhiều nhiều biện pháp phòng vệ, thép Trung Quốc vẫn "lũng đoạn" thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động, bằng nhiều cách, thép hình chữ H Trung Quốc giá rẻ vẫn tìm được đường vào và khuynh đảo thị trường Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước chịu thiệt hại lớn.
Cụ thể, theo phản ánh của Posco SS Vina, từ đầu năm 2019 đến nay, thép hình chữ H của Nhà máy Alliance Steel từ Malaysia (100% vốn từ Trung Quốc) nhập vào Việt Nam ồ ạt với giá thấp hơn Posco gần 60 USD/tấn.
Sau đó, cty Posco SS Vina đã tìm mọi biện pháp để giảm giá sản phẩm, tuy nhiên, sau nhiều tháng, tình hình không có tiến triển do Alliance Steel bán phá giá thị trường quá sâu.
Do đó, Posco SS Vina đã phải chấm dứt hoạt động dây chuyền sản xuất thép thanh công suất 500.000 tấn/năm, cắt giảm lao động hơn 220 người để tái cơ cấu sản xuất và hiện chỉ còn tập trung sản xuất và bán thép hình.
Hệ quả của tình trạng trên gây ra số lỗ lũy kế từ năm 2015 đến hết năm 2019 của Posco SS Vina lên tới 200 triệu USD. Ước tính thua lỗ mỗi năm lên đến 20 triệu USD.
Theo thông tin từ Posco SS Vina để ngăn chặn thép hình của Alliance Steel, cty này đã hoàn tất nộp đơn khởi kiện việc bán phá giá này vào ngày 6/11/2019. Đến đầu tháng 12, Công đoàn của Công ty Posco SS Vina cũng đã gửi đơn thư kiến nghị đến Bộ Công Thương.
Theo ông Eom Gi Chen, Tổng giám đốc Cty Posco SS Vina, hiện nay, ngành công nghiệp thép trong nước đang rất cần sự hỗ trợ, bảo vệ của Chính phủ, ngoài ra điều này cũng được áp dụng theo quy định của WTO.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên, các doanh nghiệp thép “kêu cứu”, trước đó, 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Posco – Việt Nam, Công ty Cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL cũng đã có đơn thư yêu cầu điều tra tình trạng thép bán phá giá.
Sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2703/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc. 
Thép Trung Quốc vẫn thống lĩnh thị trường Việt
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, sau 10 tháng năm 2019, lượng sắt thép các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 12,24 triệu tấn có tổng trị giá 8,1 tỉ USD, tăng 7% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Trong Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam 10 tháng qua với 4,64 triệu tấn, trị giá đạt 2,95 tỉ USD. 
Từ đầu năm 2017, trước tình trạng thép hình chữ H từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bán phá giá các doanh nghiệp tại Việt Nam lao đao, Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) từ 20,48 - 29,17% đối với sản phẩm này.
Sau khi thuế CBPG được áp dụng với thép hình Trung Quốc, sản phẩm này vào Việt Nam có xu hướng giảm. Tuy nhiên, theo phản ánh từ giới chuyên môn, thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam từ Malaysia lại tăng đột biến.
Doanh nghiệp sản xuất thép chữ H lao đao do sản phẩm bị bán phá giá.
Trong đó, chủ yếu là sản phẩm từ Nhà máy Alliance Steel ở Malaysia. Nếu như năm 2018, thị phần thép hình chữ H của Alliance Steel chỉ chiếm 0,4% tại thị trường Việt Nam thì ước tính cả năm 2019 sẽ tăng lên gần cả trăm ngàn tấn. 
Cụ thể, từ tháng 1 đến 10/2019, đã có 60.000 tấn thép hình chữ H của Alliance Steel được nhập khẩu vào Việt Nam và trong tháng 12 này có khoảng 35.000 tấn sẽ được tiếp tục nhập, số lượng này chiếm gần 30% thị phần trong nước. 
Điều đáng nói, Nhà máy Alliance Steel tại Malaysia có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, các vị trí chủ chốt và hầu hết công nhân tay nghề cao cũng được đưa từ Trung Quốc sang.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá, kể từ tháng 4/2019 đến nay, sản phẩm thép hình chữ H từ Alliance Steel ở Malaysia nhập vào Việt Nam tăng mạnh. Dù thời gian chưa quá dài nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy có thể đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính thông tin thêm, hiện nay, trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, nhiều sản phẩm của Trung Quốc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ dẫn đến việc nước này tìm mọi cách để xuất khẩu.
“Các công ty từ Trung Quốc, nhất là sản phẩm thép thời gian qua đã có “chiêu” né thuế CBPG tại nhiều quốc gia, trong đó có việc chuyển đầu tư, di dời nhà máy sang những nước khác hoặc chuyển tải bất hợp pháp, giả xuất xứ...
Việt Nam cần phải cảnh giác trước tình trạng này. Đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các đối sách ngay khi có dấu hiệu như hàng nhập khẩu gia tăng, có đơn kiện của DN hoặc thậm chí tự quyết định điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước lẫn quyền lợi của người tiêu dùng.” Tiến sĩ Long cho hay.
Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.