Bộ Công an: Chứng minh được đường 'có hóa đơn' thành… đường lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ đoạn của nhóm này là mua đường lậu rồi thay bao bì, nhãn mác đường trong nước ngay trên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam. Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã chứng minh được đường lậu dù không bắt quả tang.
Thượng tá Lê Văn Đấu - trưởng phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang - khẳng định nhóm đường lậu này hoạt động tinh vi - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 5-12, thượng tá Lê Văn Đấu - trưởng phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang - cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) của Bộ Công an đã khám xét và bắt nhóm đường lậu vào ngày 22-11 vừa qua tại kho ở khu vực cổng chào TP Châu Đốc.
Sau khi khám xét tại kho, các ngành chức năng phát hiện có 517 tấn đường, có hóa đơn, chứng từ trong nước. Đến ngày 26-11 kết thúc các thủ tục.
Chứng minh đường có hóa đơn là… đường lậu
Thượng tá Đấu cho rằng từ đầu tháng 5 đến nay, kể từ khi Vi Nguơn Thạnh (tỉ đường) ra tù đã hoạt động nhỏ lẻ dù chúng tôi liên tục bắt các vụ đường lậu nhưng họ không khai nhận của "tỉ đường" hay của con "tỉ đường" (Vi Hoàng Minh – PV) mà của người khác đứng tên.
Thủ đoạn của nhóm này là mua đường lậu rồi thay bao bì, nhãn mác tiếng Việt trên biên giới rồi sau đó "tuồn" hàng nhỏ lẻ vào nội địa rồi tập kết ở các kho, bãi chờ thời cơ vận chuyển đi.
Lãnh đạo Công an tỉnh An Giang khẳng định dù địa phương bắt nhiều vụ liên tục trong năm, nhưng nhóm này rất tinh vi nên chỉ xử phạt hành chính và không đủ yếu tố xử lý hình sự - Ảnh: CAAG
"Chúng tôi được C03 nhờ hỗ trợ khám xét kho đường của Minh ở gần cổng chào TP Châu Đốc. Tại đây sau khi khám xét đã phát hiện trên 517 tấn đường đều có hóa đơn đường nội địa. Tuy nhiên, cái hay của Bộ Công an là chứng minh được các hóa đơn đường này "bất hợp pháp", toàn bộ số đường có hóa đơn là đường lậu. Bộ có chứng cứ đầy đủ mới đấu tranh ra số đường này mà việc này Công an An Giang chưa làm được"- ông Đấu nói.
Từ đầu năm đến nay, Công an An Giang đã bắt được 5 vụ, tịch thu 16 tấn không giấy tờ, phạt 3 vụ trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, có duyệt hóa đơn trả lại 36 tấn cho doanh nghiệp tư nhân Kim Hưng Lợi.
"Từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đấu tranh chống gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Giám đốc công an tỉnh cũng đã mở đợt tăng cường chống buôn lậu đường cát và thuốc lá" - ông Đấu khẳng định.
Gần đây Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cũng liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường cát Thái Lan không hóa đơn, chứng từ nhưng chỉ dừng lại ở mức tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính mà không xử lý hình sự được - Ảnh: BỬU ĐẤU
Thành lập công ty để… bán hóa đơn qua lại
Còn thiếu tướng Bùi Bé Tư - giám đốc Công an tỉnh An Giang - cho rằng vụ phá đường dây buôn lậu đường gần 1.000 tấn đường vừa qua là do Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì phối hợp với Công an An Giang thực hiện.
Đường đi đường lậu của nhóm này rất tinh vi. Nhóm này khi qua biên giới đã hợp thức hóa các hóa đơn, chứng từ hết mà tỉnh thì rất khó chứng minh. Còn C03 bắt rồi mời truy ngược lại.
"Nhóm này thành lập một công ty ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ rồi bán hóa đơn lại cho nhóm trên này để hợp thức hóa đơn chứng từ khi đường vào Việt Nam. Bởi 2 người này đều là con ruột của ông Vi Nguơn Thạnh. Vì vậy, Công an An Giang bắt nhiều vụ nhưng không xử lý được vì có hóa đơn. Dù biết họ lách luật như vậy nhưng không thể chứng minh được"- thiếu tướng Bé Tư nói.
Thiếu tướng Bùi Bé Tư - giám đốc Công an tỉnh An Giang (phải) - khẳng định với lãnh đạo công an tỉnh không ai bao che. Hiện tại đang tăng cường lực lượng về cơ sở để trấn áp tội phạm buôn lậu - Ảnh: CAAG
Thiếu tướng Bùi Bé Tư khẳng định lãnh đạo Công an tỉnh An Giang không ai bao che cho nhóm này hoạt động. Bắt nhiều vụ nhưng không đủ chứng cứ để xử lý hình sự mà chỉ phạt vi phạm hành chính và cũng không đủ chứng cứ chứng minh hàng này của nhóm "tỉ đường".
"Bữa đó có khám xét 2 kho ở Châu Đốc và Thốt Nốt. Tụi tôi mà bao che thì Bộ Công an sẽ cách chức hết rồi. Từ đây sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường và thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn hàng lậu trước, trong và sau tết. Số lượng đường bắt ở An Giang trên 500 tấn chứ không phải 1.000 tấn"- thiếu tướng Bé Tư nói.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vi Hoàng Minh, Lê Chung Thành, Lê Vũ Phong, Đặng Bảo Huy về tội buôn lậu.
Theo đó, Minh là người cầm đầu đường dây buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam. Minh trực tiếp mua, thanh toán tiền đường cát trắng tại Campuchia. Sau đó, Minh cho người vận chuyển trái pháp luật đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam rồi thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài thành nhãn mác ghi tên một công ty mà Minh được ủy quyền điều hành. Mục đích nhằm che giấu, đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển.
Để đưa được số đường này về Việt Nam, Minh thuê người bốc vác, vận chuyển hàng bằng ghe từ Campuchia về Việt Nam qua đường Rạch, kênh Vĩnh Tế TP Châu Đốc.
Sau đó, những người này thuê ôtô tải chở hàng từ bãi tập kết về kho của Công ty TNHH Di Thạnh ở đường Tôn Đức Thắng, phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc. Số đường này tiếp tục được vận chuyển đi nhiều nơi khác để tiêu thụ.
Bửu Đấu (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.