TechDemo 2019 cơ hội quảng bá sản phẩm, tiếp cận công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 24-11, trong khuôn khổ sự kiện TechDemo 2019, tại TP. Pleiku đã diễn ra hoạt động “Trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên” và Hội thảo “Giám đốc các trung tâm, tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên”. Các hoạt động này đã thu hút gần 20 ngàn lượt khách tham gia, tìm hiểu các thiết bị, công nghệ, sản phẩm mới cũng như tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, liên kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên.
Hơn 500 gian hàng giới thiệu công nghệ và sản phẩm
Hoạt động “Trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên” có hơn 500 gian hàng tham gia. Trong số này có 150 gian hàng giới thiệu, trình diễn công nghệ trong các lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông-lâm sản; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, IoT; công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; công nghệ bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn có 120 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh và 180 gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp.
Sản phẩm mật ong Gia Lai trưng bày tại hoạt động “Trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên”. Ảnh: Q.T
Sản phẩm mật ong Gia Lai trưng bày tại hoạt động “Trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên”. Ảnh: Q.T
Tham gia hoạt động này, các doanh nghiệp không chỉ có cơ hội quảng bá sản phẩm mà còn được giao lưu tìm hiểu kỹ hơn về giải pháp công nghệ cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bà Quách Thị Lợi-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hà Minh Thành Gia Lai-cho biết: “Chúng tôi chuyên sản xuất dầu đậu nành 100% nguyên chất. Lâu nay, chúng tôi vẫn rất lúng túng trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) nhằm cải tiến dây chuyền sản xuất nên quy trình sản xuất đôi khi còn gián đoạn. Tham gia sự kiện này, chúng tôi mong muốn được tiếp cận và tìm hiểu về các mô hình công nghệ tiên tiến, các dòng máy chiết xuất dầu đậu nành hiện đại nhất hiện nay. Từ đó, xúc tiến, hợp tác, chuyển giao những công nghệ này vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Hoạt động trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề còn có sự góp mặt của doanh nghiệp và Sở KH-CN các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chia sẻ về ngày đầu tham gia hoạt động này, ông Huỳnh Thanh Sang-Phó Trưởng phòng Quản lý KH-CN (Sở Giáo dục, KH-CN tỉnh Bạc Liêu) cho hay: “Dịp này, gian hàng của chúng tôi có sự góp mặt của một số công ty trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu với các sản phẩm như: muối, giống cây thanh nhãn, đông trùng hạ thảo... Bên cạnh việc quảng bá các đặc sản của địa phương, chúng tôi muốn kết nối với các nhà đầu tư tại tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh khác”.
Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra, hoạt động “Trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên” đã thu hút đông đảo khách hàng tới tham quan và thử nghiệm. Ngoài các sản phẩm cà phê, mật ong, hồ tiêu, đa phần khách hàng quan tâm tới các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như: đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu… “Nhiều sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được trưng bày và bán cho người tiêu dùng với giá khá ưu đãi. Các sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp này có thể truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát được thành phần dinh dưỡng nên tôi rất tin tưởng mua cho gia đình sử dụng”-ông Nguyễn Văn Tuấn (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho biết.
Tìm giải pháp đẩy mạnh liên kết, chuyển giao công nghệ
Nhằm tăng cường hoạt động và định hướng về thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, liên kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thuộc các Sở KH-CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, sáng 24-11, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở KH-CN Gia Lai tổ chức Hội thảo “Giám đốc các trung tâm, tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên”.
Các phẩm nông nghiệp cao được người dân rất quan tâm. Ảnh: Q.T
Các phẩm nông nghiệp cao được người dân rất quan tâm. Ảnh: Q.T
Báo cáo tại hội thảo, ông Lê Minh Hải-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN Gia Lai) cho biết: Thời gian qua, các trung tâm đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành KH-CN. Bên cạnh việc phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH-CN, các trung tâm còn chú trọng ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo thống kê, trong năm 2019, các trung tâm thuộc vùng Nam Trung bộ-Tây Nguyên đã làm chủ được 34 quy trình công nghệ và sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị khác, trong đó trên 80% tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như: công nghệ nuôi cấy mô tế bào, sản xuất cây giống chuối, gừng, ba kích, lan rừng, lan kim tuyến, đông trùng hạ thảo... sạch bệnh của Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên; công nghệ vi sinh trong sản xuất giá thể hữu cơ, chế phẩm sinh học, giống nấm ăn, nấm dược liệu của các tỉnh: Quảng Nam, Đak Lak, Bình Định, Ninh Thuận; công nghệ trồng rau an toàn bằng hệ thống thủy canh tiết kiệm diện tích, chi phí thấp của Khánh Hòa, Kon Tum…
Bên cạnh đó, những năm qua, các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã quan tâm, hợp tác phát triển hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và đạt được một số kết quả khá nổi bật. Nhiều sản phẩm chủ lực đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, 6/12 trung tâm đã có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm trên thị trường với tổng doanh thu 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. 12/12 trung tâm thực hiện cả 2 hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ như: dịch vụ kỹ thuật đo lường, dịch vụ phân tích thử nghiệm; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học; công nghệ sản xuất giống cây trồng; công nghệ xử lý môi trường, mối mọt; công nghệ tưới tiết kiệm nước trên cây trồng chủ lực của địa phương; công nghệ nhân giống và sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu và đông trùng hạ thảo… Ngoài ra, dịch vụ KH-CN còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã hội, giúp người dân tiếp cận với các tiến bộ KH-CN. Năm 2019, các trung tâm trong vùng đã thực hiện 339 hợp đồng dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, nông nghiệp, năng lượng, kiểm nghiệm với tổng giá trị hơn 8,7 tỷ đồng.
Ông Lê Đăng Pha-Phó Giám đốc phụ tránh Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Đak Lak phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.T
Ông Lê Đăng Pha-Phó Giám đốc phụ tránh Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Đak Lak phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.T
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các trung tâm thực hiện chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trực thuộc Sở KH-CN các tỉnh, thành phố vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong thực hiện hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Ông Lê Đăng Pha-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN tỉnh Đak Lak) cho biết: Trung tâm là đơn vị sự nghiệp khoa học cấp tỉnh nên về nguồn lực khó có khả năng cạnh tranh với các đơn vị Trung ương (Viện Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên) và các đơn vị chuyên ngành (Viện Công nghệ sinh học và Môi trường thuộc Trường Đại học Tây Nguyên) khi tham gia tuyển chọn các nhiệm vụ. Trong khi đó, việc thực hiện các đề tài, dự án từ nguồn kinh phí của địa phương và của Trung ương chỉ được phép chi trả một phần công lao động. Vì vậy, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung nguồn nhân lực. Do đó, năng lực nghiên cứu, ứng dụng của Trung tâm trong một số lĩnh vực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Để tăng sức cạnh tranh và cũng để Trung tâm tồn tại thì Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như có văn bản hướng dẫn trong việc cấp, sử dụng nguồn tài chính của Trung tâm. Đồng thời, Cục cần hỗ trợ thông tin để các trung tâm nắm rõ hơn về các điểm kết nối cung-cầu công nghệ (ở đâu, công nghệ như thế nào, chuẩn hay không chuẩn) nhằm giới thiệu cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Bà Đặng Thị Thủy-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN tỉnh Phú Yên) cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH-CN tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất. Đồng thời, bà Thủy đề nghị Bộ KH-CN mở các lớp tập huấn đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của các trung tâm; chọn lọc, giới thiệu và phổ biến các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong và ngoài nước để trung tâm tham quan, học tập…
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Việt Dũng-Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết: Cục đang hoàn thành cuốn sổ tay điểm kết nối cung-cầu công nghệ và dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành để các trung tâm nghiên cứu, triển khai thực hiện. Ngoài ra, Cục cũng đang tiến hành nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm cập nhật các điểm cung-cầu công nghệ. “Theo kế hoạch, Cục sẽ nâng cấp một phiên bản mới trên ứng dụng mobil để chúng ta có thể truy cập dễ dàng hơn từ điện thoại di động. Đối với ý kiến, kiến nghị của các trung tâm, chúng tôi ghi nhận và sẽ gửi cho các vụ chức năng của Bộ KH-CN và các đơn vị liên quan để xử lý trong thời gian tới”-ông Dũng thông tin.
Nhóm Phóng viên

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.