Hé lộ phương án đấu thầu điện mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai phương án đang được Bộ Công Thương dự tính đưa ra để thực hiện đấu thầu dự án điện mặt trời là đấu thầu tại trạm biến áp, hoặc đấu thầu giải phóng mặt bằng sạch, mời nhà đầu tư.
 
Dự án điện mặt trời mới sẽ phải thực hiện đấu thầu - Ảnh: NGỌC AN
Thông tin được ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo quốc tế năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn, do VTV24 và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 27-11.
Có thể có hai phương án
Theo ông Quân, kinh nghiệm các nước cho thấy sau khi thực hiện giá FIT (giá bán điện năng cố định), thực hiện đấu thầu giá điện là đương nhiên. Bộ Công Thương hi vọng sẽ chọn được các dự án điện với chi phí hợp lý.
"Sau thông báo của Thủ tướng, Bộ sẽ đẩy nhanh hơn để việc này triển khai được sớm. Dự kiến có 2 phương án, gồm đấu thầu tại trạm biến áp, đủ dung lượng để truyền tải công suất lên hệ thống thì có thể đấu thầu xung quanh; hoặc phương án 2 là giải phóng mặt bằng sạch, mời nhà đầu tư vào đấu thầu một phần hoặc toàn bộ dự án" - ông Quân nói.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng các quốc gia trên thế giới đã đấu thầu điện mặt trời nhiều năm, nên để ngăn chặn tình trạng phát triển điện mặt trời bùng phát, "vô trật tự" như hiện tại, cần phải thực hiện đấu thầu vào năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc phát triển điện mặt trời ồ ạt dẫn tới tắc nghẽn lưới truyền tải, nên việc đấu thầu phải tính toán vấn đề này.
Tính thêm bài toán quy hoạch, hợp đồng và quản lý điện
"Quy hoạch điện mặt trời cần phải tính lâu dài, phải trên cơ sở phải tính toán được cường độ bức xạ điện mặt trời trên mỗi m2 ở từng vùng miền địa phương. Được như vậy, ở bất kì tỉnh nào, nhà đầu tư cũng sẵn sàng. Trước mắt, để đủ điện giai đoạn 2020-2023, bổ sung quy hoạch khẩn cấp, tính toán nhanh chóng khu vực nào có lợi thế làm như Ninh Thuận, Bình Thuận" - ông Ngãi nói.
Ông Oliver Behrend - cán bộ đầu tư cao cấp, Bộ phận cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) - cho rằng không nên quá ám ảnh vấn đề đấu thầu. Bởi nếu chỉ áp dụng cơ chế đấu thầu  thì không thể giải quyết các vấn đề, mà cần ứng dụng cơ chế này để sàng lọc các bên tham gia, cùng khung hợp đồng, yếu tố huy động tài chính, để huy động được tài chính. Vì thế, cần xem xét đưa ra điều kiện, tài liệu hợp đồng phù hợp, để xác định chi phí dự án phù hợp.
Chia sẻ về kinh nghiệm đấu thầu tại Campuchia, bà Hyunjung Lee - chuyên gia Ban Năng lượng Vụ Đông Nam Á (ADB) cho rằng cần thực hiện nghiên cứu khả thi, đánh giá nhu cầu và cơ chế thoả thuận để khuyến khích nhà đầu tư. Không nên chỉ dựa trên mức giá, mà quan trọng là quy trình thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất, thu hút nhiều nhất đầu tư tư nhân.
Đại diện Aucham cho rằng việc thực hiện đấu thầu điện mặt trời cần dựa trên bức tranh tổng thể là Việt Nam đang phải giải quyết vấn đề liên quan tới gia tăng nhu cầu điện.
"Cần tăng cường tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng, nên cách tốt giải quyết là thông qua chính sách định giá phù hợp. Ngoài ra là cơ chế tiêu thụ, sản xuất điện, có thêm không gian và hệ thống để các bên tư nhân có thể cung cấp điện cho bản thân thì họ sẽ không cần nguồn điện từ EVN" - đại diện Aucham khuyến nghị.
Ngọc An (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.