Hai bộ bắt tay tính chuyện nhập khẩu thịt heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 3 tháng từ 11.2019 - 1.2020, lượng thịt heo thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Hai Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT dự tính sẽ phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu đề bù đắp lượng thiếu hụt.
Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tính chuyện nhập khẩu thịt heo bù khoản thiếu hụt cuối năm. Ảnh; Ngọc Dương
Trong thông báo phát đi, Bộ Công thương nêu rõ, giá thịt heo từ tháng 6 tăng mạnh và đến tháng 10 tăng đến 30% so với tháng 9. Nguyên nhân của việc tăng giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm nay và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Hiện số heo mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vắc xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt cho thị trường trong nước. Còn thống kê của Tổng cục Thống kê - Bộ KH-ĐT, đàn heo cả nước tháng 10 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước.
Bên cạnh đó, số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm nay, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, do thịt heo là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt heo giảm 380.000 tấn, tương đương từ 9 - 10% so với năm 2018. Nên dự báo thị trường thực phẩm trong nước sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ nay đến cuối năm.
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT, 2 Bộ này đã thống nhất nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70.000 tấn thịt hơi.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 18.11 tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Công thương đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt heo và có kế hoạch tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt heo cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo Bộ NN-PTNT, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt heo chính ngạch vào Việt Nam. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt heo thiếu hụt.
Bên cạnh đó, trong thông cáo phát đi, Bộ Công thương cũng đề xuất triển khai một số giải pháp trong điều hành quản lý cung cầu thịt heo từ nay đến cuối năm. Cụ thể, các địa phương, bộ, ban ngành liên quan tăng kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt heo sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước. Đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo ngành thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt heo, hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp chế biến từ thịt heo đông lạnh nhập khẩu và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.
Lam Nghi (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

‘Bão’ giá cà phê

‘Bão’ giá cà phê

Ngày thứ 2 liên tiếp, các sàn giao dịch cà phê thế giới tăng giá đến 3 con số. Giá cà phê nội địa cũng tăng lên mức cao chót vót, càng khiến nhiều người phân vân không biết nên bán hay tiếp tục giữ hàng.