Gia Lai thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cà phê đã được chính quyền, ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm.
Theo đánh giá của Sở Công thương, hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 343 triệu USD, năm 2017 đạt 450 triệu USD, năm 2018 đạt 470 triệu USD thì năm 2019 ước đạt 500 triệu USD. Trong đó, mặt hàng cà phê đạt kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 200 triệu USD/năm. Ngoài xuất khẩu ở các thị trường châu Á với khoảng 30% kim ngạch thì mặt hàng cà phê của tỉnh đã có mặt tại những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
 Việc liên kết sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp.   Ảnh: V.T
Việc liên kết sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp. Ảnh: V.T
Năm 2019, giá cà phê thu mua nội địa giảm, giá xuất khẩu giảm hơn 10% (bình quân khoảng 1.600 USD/tấn) so với năm 2018. Bên cạnh đó, khối lượng cà phê xuất khẩu dự kiến cũng giảm hơn 30% đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Dự kiến, năm 2019, toàn tỉnh sẽ xuất khẩu 180.000 tấn cà phê, tương ứng kim ngạch khoảng 294 triệu USD. Mặc dù đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh song hiện nay, các sản phẩm cà phê xuất khẩu phần lớn là chế biến thô, chưa tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương), dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, song tốc độ tăng sẽ không cao do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, với chính sách mở cửa thị trường, tác động của FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã mở ra cơ hội để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng thâm nhập và mở rộng thị trường mới.  
Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu mặt hàng cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Trung Hiếu, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam. Trong số này, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt rất lớn. Theo chia sẻ của ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty đã xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững, luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu khắt khe của thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Trung bình mỗi năm, Công ty xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê (90% là cà phê nhân xô; 10% là cà phê rang xay và hòa tan), mang về kim ngạch khoảng 150 triệu USD cho tỉnh. “Nếu năm trước, giá cà phê xuất khẩu là 2.200 USD/tấn thì năm nay giá giảm rất mạnh. Cùng với đó, sản lượng cà phê xuất khẩu của doanh nghiệp giảm nên ước lượng năm nay kim ngạch xuất khẩu cũng đạt thấp hơn các năm trước”-ông Hiệp nói.
Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất, đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Chương trình tái canh cây cà phê cũng được đẩy mạnh cùng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư các dự án sản xuất, chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp được đẩy mạnh; việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm được chú trọng.
Trao đổi thêm về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu mặt hàng cà phê trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thời cơ, tập trung đổi mới công nghệ, tăng cường hợp tác và liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường; tổ chức mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng chú trọng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trong nước và quốc tế để đảm bảo uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu. Chủ động tìm kiếm, phát triển các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào các thị trường truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, dù tình hình xuất khẩu chưa thuận lợi nhưng giá cả mặt hàng cà phê đang có dấu hiệu hồi phục dần và dự báo sẽ tăng 10% vào năm 2020. Dự kiến, năm 2020, xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 200.000 tấn, tương ứng kim ngạch là 360 triệu USD (tăng 11% về lượng và 22% về giá trị so với năm 2019).
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.