Bùng nổ thị trường thực phẩm chế biến sẵn: 6.000 DN tham gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều sản phẩm tưởng chừng như không thể chế biến sẵn nhưng giờ đã có mặt trên quầy kệ đồ hộp, như chân giò hầm, cháo tươi, thịt kho trứng… Sức hấp dẫn của ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn (đóng gói, đóng hộp) thể hiện ở con số tăng trưởng liên tục duy trì ở mức 7 - 8% trong những năm gần đây, tương đương với đồ uống không cồn, chỉ đứng sau nhóm bia (10%).
Nấm mọc sau mưa
1. Thị trường gần 100 triệu dân, với nhiều người trẻ, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến sẵn phát triển. Theo báo cáo năm 2018 của VietNam Report, cuộc sống hiện đại đã làm người tiêu dùng có “cái nhìn khác” đối với nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn. Tỷ lệ các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn có mặt trong giỏ hàng đi chợ ngày càng nhiều hơn.
Còn báo cáo của Datamoniter giữa năm 2019 cho thấy, thị trường thực phẩm chế biến sẵn ở Việt Nam trong những năm qua luôn tăng trưởng ở mức hấp dẫn, có năm mức tăng trưởng xấp xỉ hai con số. Trong đó, thịt đóng hộp các loại chiếm 50,5% thị phần. Tiếp theo đó là cá hộp chiếm 28%, còn lại là các dòng sản phẩm rau, củ, quả đóng hộp. Dự báo đến năm 2025, một nửa lượng thịt trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam sẽ là sản phẩm đã qua chế biến. Vào thời điểm đó, thị trường Việt Nam sẽ cần tới 2,5 triệu tấn sản phẩm thịt chế biến/năm, tức là cao gấp 5 lần so với hiện nay.
Ông Sakchai Chatchaisopon, Giám đốc chi nhánh nhà máy chế biến thịt Hà Nội (trực thuộc C.P Việt Nam) cho rằng: “Khi đời sống người dân bận rộn hơn, nhu cầu sử dụng các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn từ thịt, cá cũng sẽ tăng theo”.
Bà Bùi Thị Phương Dung, chuyên gia dinh dưỡng bình luận: “Hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm đóng hộp không bằng các loại thực phẩm tươi nhưng bù lại, không tốn nhiều thời gian để nấu nướng, thuận tiện cho cuộc sống bận rộn”.
 Nhiều gia đình trẻ bắt đầu chọn thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị.
2. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Việt Nam có gần 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng chủ lực trên thị trường chỉ chừng vài chục nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến như: Vissan, CJ Cầu Tre, Hạ Long Canfoco, Seaspimex, Tuyền Ký, Tân Tân, KTCFood, Thực Phẩm Nhanh, Saigon Food…, phần còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, chuyên gia công sản phẩm cho những thương hiệu lớn hơn hoặc là những nhãn hàng riêng cho các kênh bán lẻ như Saigon Co.op, Adayroi…
Trực thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) được xem là “ông lớn” thị trường thực phẩm chế biến sẵn. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho biết, năm 2018, Vissan sản xuất 22.660 tấn thực phẩm chế biến sẵn, còn năm 2019 ước chừng 25.000 tấn. Theo ông An, nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn “đang bán tốt” nên sản lượng kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 19 - 20% so với năm trước. “Không chỉ có sản phẩm mới mà Vissan còn điều chỉnh hương vị, bao bì mẫu mã để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”, ông An chia sẻ thêm.
Trao đổi với Thế giới Tiếp thị, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food cho biết, Saigon Food đã thay đổi dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tăng dần sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành, nâng cao chất lượng để lấy lòng của người tiêu dùng. “Saigon Food đã đầu tư xây dựng thêm một kho lạnh và một nhà máy chế biến để nâng tỷ lệ lên 50% tại thị trường nội địa vào năm 2020”, bà Lâm nói.
Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ thuần kinh doanh nông sản tươi nay cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực thực phẩm chế biến. Nếu trước đây chỉ chuyên bán trứng gia cầm, nay Ba Huân đã có thêm nhiều sản phẩm thuộc dòng chế biến sẵn như gà viên, trứng gà hầm, xúc xích gà… San Hà, trước đây chỉ kinh doanh thịt gia cầm tươi sống, nay có thêm sản phẩm chế biến như cánh, đùi gà rán, thịt gà viên rán phô mai hay chả giò, chả quế… Đại diện San Hà cho biết, nhãn hiệu này sẽ đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm này tại chuỗi cửa hàng kinh doanh SanHafood bằng những cách tổ chức chiên nấu tại chỗ để người tiêu dùng làm quen với các sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhóm phóng viên thực hiện (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.