Bị 'siết' chặt nhưng sắt thép từ Trung Quốc vẫn nhập 'khủng' 8,1 tỉ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 12,24 triệu tấn sắt thép trị giá hơn 8,1 tỉ USD tiếp tục được nhập khẩu vào Việt Nam trong bối cảnh hàng loạt các chính sách phòng vệ thương mại được dựng lên nhằm ngăn chặn nguy cơ lẩn tránh thuế của các nước, đặc biệt từ Trung Quốc.
Chỉ tính riêng trong tháng 10-2019, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều nước liên tiếp kiện phòng vệ thương mại - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến cuối tháng 10-2019, đã có hơn 12,24 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu vào Việt Nam với kim ngạch nhập hơn 8,1 tỉ USD; trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 2,95 tỉ USD, tương ứng khoảng 4,64 triệu tấn.
Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về nguồn cung sắt thép nhập khẩu của Việt Nam trong 3 năm gần đây, với số lượng lẫn giá trị nhập khẩu tăng đều qua từng năm ở tỉ lệ trên hai con số.
Việc nhập khẩu sắt thép các loại tiếp tục có xu hướng tăng vọt, bất chấp nhiều quyết định liên quan đến chính sách phòng vệ thương mại được Bộ Công thương đưa ra trong thời gian qua vẫn không ngăn được lượng sắt thép nhập khẩu có chiều hướng tăng dần đều, đặc biệt từ Trung Quốc.
Đơn cử trong tháng 10-2019, không chỉ gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, Bộ Công thương đã ra quyết định chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim, không hợp kim cán phẳng của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đồng thời điều tra chống bán giá riêng đối với loại thép cán nguội (dạng cuộn, hoặc tấm) nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi một loạt các quốc gia khác cũng đã tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại tương tự.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép VN (VSA), ngành thép Việt Nam đã trở thành "tâm điểm" kiện phòng vệ thương mại của nhiều nước, đặc biệt sau khi nổ ra thương chiến Mỹ - Trung, khi khả năng lẩn tránh thuế hòng chuyển tải bất hợp pháp một loạt các sản phẩm thép của Trung Quốc "đi vòng" qua các nước ngày càng tăng mạnh.
Dù đã đưa ra nhiều chính sách quản lý cũng như bổ sung nhiều quy định kiểm tra xuất xứ nguồn gốc (C/O) chặt chẽ, nhưng việc kiểm soát được nguồn thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là "nằm im", hay tiếp tục được các doanh nghiệp tiếp tay "sơ chế" gia công trá hình rồi xuất tiếp đi các nước. Hiện vẫn còn rất nhiều thách thức trong công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống gian lận thương mại.
Trần Vũ Nghi (TTO)

Có thể bạn quan tâm