Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 17%, cảnh báo hàng Việt Nam dễ vào "tầm ngắm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế.
Bộ Công Thương cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 20,6% và 15,8%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2019 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 1,7%; rau quả giảm 4,6%; hạt điều giảm 6%; cà phê giảm 20,7%; hạt tiêu giảm 6,4%; gạo giảm 9,7%.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng chậm lại là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng xuất khẩu chung thấp hơn những năm trước dù các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.
Riêng thị trường Mỹ, vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 tăng 28,2% so với cùng kỳ, ước đạt 44,86 tỷ USD. 
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, thị trường ASEAN, Nhật Bản, EU; Hoa Kỳ.
Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù có sự thâm hụt thương mại trong một vài tháng đầu năm nhưng tính chung 9 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 25,3 tỷ USD.
“Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực cũng tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,2% trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam có thể xem là một kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn”, Bộ Công Thương cho hay.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản. 
Theo đó, NDT giảm so với USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu. 
Đồng thời, việc đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, cao su, thủy sản, gỗ có giá cao hơn tương đối so với trước đây và kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc. Thời gian vừa qua, thị trường đã ghi nhận đồng NDT giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, đồng tiền này đã để mất ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. NDT cũng được dự đoán tiếp tục yếu dần đi trong năm 2020.
Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư.
Diệu Thùy (Infonet)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.