Hàng loạt đại gia thép, bán lẻ công nghệ hối hả tìm "vùng vịnh xanh" tránh bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi hàng loạt đại gia trong ngành thép, bán lẻ công nghệ như Hòa Phát, Thế giới di động, Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim, Vingroup… “ăn khoai”, sẽ có hàng chục, hàng trăm người “vác mai đi đào”. Lúc ấy, “vùng vịnh xanh” sẽ biến thành “đại dương đỏ”.
Trứng gà thương phẩm của Hòa Phát
Những chuyện “kinh thiên động địa”
Từ đầu năm đến nay, có nhiều chuyện “kinh thiên động địa” xảy ra trên thị trường. Đầu tiên là chuyện Hòa Phát trở thành “vua” trứng gà miền Bắc. Tính đến hết tháng  9, sản lượng trứng gà của Công ty Gia cầm Hòa Phát đạt quy mô 450.000 quả mỗi ngày, lớn nhất miền Bắc. Năm 2018, Hòa Phát đã hoàn thành giai đoạn 1 nuôi 600 ngàn con gà đẻ trứng. Khi hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2020, Hòa Phát sẽ cung cấp cho thị trường mỗi ngày 1 triệu quả trứng, và trở thành “vua” trứng gà cả nước.
Dư luận ngạc nhiên, bởi bấy lâu nay nói đến Hòa Phát là nói đến doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng và nội thất văn phòng. Ngoài trứng gà, Hòa Phát còn chăn nuôi bò thịt. Năm 2018, doanh thu thịt bò cao gấp đôi, lợi nhuận tăng 176% so với năm 2017; sản lượng thịt bò chiếm 42% thị phần toàn quốc; dự báo năm 2019 nâng thị phần lên 45%.
Dư luận còn tiếp tục ngạc nhiên khi biết rằng, Hòa Phát còn nhảy vào thức ăn chăn nuôi, sản lượng tiêu thụ năm 2018 tăng 150% so với năm 2017. Cuối cùng là thịt lợn, sản lượng xuất chuồng năm 2018 cao gấp 4,5 lần năm 2017.
Tiếp theo là chuyện Thế giới Di động đi bán nồi niêu xoong chảo... thu hàng ngàn tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2019 bán ra hơn 20 triệu sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp, đạt hơn 5.800 tỷ. Trung bình mỗi tháng, nhóm này đóng góp khoảng 650 tỷ đồng doanh thu. Cùng với nồi niêu xoong chảo, Thế giới di động còn bán hàng tươi sống đông lạnh, mang lại hơn 50% doanh thu trong hệ thống Bách Hóa Xanh.
Nhân viên Thế giới di động giới thiệu bộ sản phẩm nhà bếp
Câu chuyện tiếp tục nối dài với Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim, Vingroup… lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm. Trong năm nay, các doanh nghiệp nói trên đã mở thêm hàng trăm cửa hàng dược phẩm.
Vòng tuần hoàn mới
Vì sao các đại gia thép, bán lẻ công nghệ có quy mô và nguồn lực vượt trội lại sốt sắng chuyển sang những mảng kinh doanh không truyền thống, mà số thu lại cũng chỉ là “tiền lẻ”? 5.800 tỷ đồng bán nồi niêu xoong chảo, tiếng là to thế nhưng cũng chỉ chiếm 7% doanh thu của Thế Giới di động. Thịt lơn, thịt bò, thức ăn chăn nuôi và cả trứng gà nữa (đã lên đến tầm “vua”) cộng lại cũng chưa tới 5% doanh thu của đại gia thép Hòa Phát. Mảng dược phẩm mang lại doanh thu với tỷ trọng còn ít hơn nhiều cho Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim, Vingroup…
Câu trả lời được chính những người trong cuộc đưa ra là, vì ngành nghề truyền thống, cốt lõi đã bão hòa, đi vào cạnh tranh gay gắt, được ví như “đại dương đỏ”, nên không dồn hết nguồn lực vào đó. Lớn nhất trong công nghệ bán lẻ là Thế giới di động từ năm 2018 đã hạn chế việc mở rộng chuỗi cửa hàng điện thoại. Nếu thời điểm 2015-2016, đạt tốc độ 2 ngày mở ra 3 cửa hàng mới, đến năm 2018 không hướng đến mở mới; đến cuối năm, giảm 40 cửa hàng so với năm trước.
FPT Retails không mở thêm bất cứ F-Studio nào chuyên bán ĐTDĐ nào nữa vì doanh thu năm 2018 không đạt như kỳ vọng. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng, không có mô hình kinh doanh nào có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng mãi được, sau vài năm nữa, thị trường cũng sẽ bão hòa.
Thị trường bão hòa chính là “đại dương đỏ” với sự cạnh tranh dữ dội, đôi khi còn là cạnh tranh một mất một còn. Nếu ở lại đó, doanh nghiệp phải dùng mọi nguồn lực để đánh bại đối thủ; hóa giải bài toán giữa giá trị và chi phí để kéo khách hàng từ các đối thủ về với mình; đi tìm (hoặc bỏ tiền mua) công nghệ, ý tưởng khác biệt trong kinh doanh… Tóm lại để sống sót giữa “đại dương đỏ” cần rất nhiều ý tưởng, nguồn lực và cả sự may mắn nữa.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc sở hữu của FPT Retail
Nhưng nếu neo vào “vùng vịnh xanh” - tức những khoảng trống thị trường chưa có sự cạnh tranh hoặc mức độ cạnh tranh không đáng kể, doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị cao ở mức chi phí thấp. Cùng là 10.000 tỷ đồng, nếu Hòa Phát đầu tư vào thép những năm 2010-2011 sẽ cho lãi trên 10%, đầu tư vào năm 2015 sẽ cho lãi 8-10%, và đầu tư ở thời điểm hiện nay sẽ cho lãi dưới 5%.
Có 2 lý do cơ bản, một là đối thủ cạnh tranh trong ngành thép lên tới hàng trăm, gồm nhà sản xuất trong nước, doanh nghiệp nước ngoài và nhà phân phối. Hai là thị phần thép của Hòa Phát hiện 40%, đã đến ngưỡng bão hòa, muốn tăng thêm 1% thị phần lúc này, nguồn lực bỏ ra phải gấp 5-7 lần những năm 2010-2015.
Nhưng quẳng 10.000 tỷ đồng lúc này vào trứng gà, thịt bò, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi sẽ cho lãi suất trên 10%, tương tự như bỏ vốn vào thép những năm 2010-2011, vì đối thủ trong những ngành này hiện chưa nhiều. Chẳng hạn như trứng gà, có đến 17 triệu hộ gia đình nông dân nuôi gà đẻ trứng, nhưng đó không phải là đối thủ cạnh tranh. Số doanh nghiệp nuôi gà đẻ trứng sạch theo quy mô công nghiệp, đếm chưa hết số ngón 2 bàn tay.

“Vùng vịnh xanh” không mãi mãi xanh. Đến một lúc nào đó, khi Hòa Phát, Thế giới di động, Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim, Vingroup… “ăn khoai”, sẽ có hàng chục, hàng trăm người “vác mai đi đào”. Lúc ấy, “vùng vịnh xanh” lại biến thành “đại dương đỏ”. Và những doanh nghiệp tiên phong tiếp tục tìm chốn “vùng vịnh xanh” mới để neo đậu.

Và một vòng tuần hoàn mới lại bắt đầu.

Yên Phụ (TCCT)

Có thể bạn quan tâm