Hàng hoá ùn ứ tại cửa khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương lý giải ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Bộ Công Thương, không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa quan tâm… dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu sang Trung Quốc.
Hơn 500 xe container chở thanh long ùn ứ tại cửa khẩu khi làm thủ tục xuất hàng đi Trung Quốc - Ảnh: Tiền Phong
Trung Quốc gia tăng bảo hộ hàng hóa
Theo số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong 8 tháng đầu năm ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ.
Việc giảm này có phần nguyên nhân từ việc gặp khó trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Theo Bộ Công Thương, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Tuy nhiên thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu.
“Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn…”, Bộ Công Thương cho hay.
Điều đáng lưu ý, Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc.
Điều này theo Bộ Công Thương, đã dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.
Dự báo về tình hình kuất khẩu nông sản trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ do.
Không chỉ Trung Quốc, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhiều tiềm năng
Theo đại diện Bộ Công Thương, Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu được đánh giá là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể.
Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
"Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này", Bộ Công Thương nhận định.
Trước đó một số doanh nghiệp phản ánh, từ ngày 20/8, nhiều container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của các đơn vị Việt Nam bị ùn tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.
Nguyên nhân là phía Trung Quốc cấp cho doanh nghiệp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo mẫu mới, khác mẫu trước đó. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mang mẫu giấy C/O mới này đến cơ quan hải quan Việt Nam để làm thủ tục thì lại không được chấp nhận.
Việc này khiến các container hàng của doanh nghiệp phải lưu lại ở cửa khẩu mấy ngày qua. Đến ngày 23/8, tình trạng này vẫn không được giải quyết khiến một số doanh nghiệp phải hạ hàng khỏi container, chuyển xuống các kho chứa...
Nguyễn Mạnh (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.