Thủy điện An Khê-Ka Nak: Thiếu nước trầm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng nóng kéo dài liên tục trên diện rộng với cường độ gay gắt, cộng với lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện Ka Nak trên lưu vực sông Ba thiếu hụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận hành sản xuất điện và cấp nước cho hạ du của Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak.
Từ đầu năm đến nay, Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak phải hạn chế tối đa phát điện để tích nước phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng của người dân vùng hạ du theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh
Hiện nay, mực nước tại hồ Ka Nak đã cạn kiệt, chỉ đạt mức 488 m và luôn xấp xỉ mực nước chết 485 m (thấp hơn 27 m so với mực nước trung bình nhiều năm là 515 m). Do vậy, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak phải sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm đáp ứng việc cấp nước cho vùng hạ du sông Ba qua đập tràn An Khê trong các tháng mùa khô năm 2019. Ông Đặng Văn Tuần-Giám đốc Công ty-cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, Công ty đã chủ động phối hợp làm việc với các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Gia Lai và Bình Định để báo cáo tình trạng khô hạn, thiếu hụt nước đang xảy ra tại hồ chứa thủy điện An Khê-Ka Nak. Ngoài ra, Công ty đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thủy lợi, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, UBND huyện Kbang, UBND thị xã An Khê, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia về việc điều chỉnh lưu lượng xả nước về hạ du sông Ba, lịch vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện An Khê-Ka Nak để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, phòng-chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo tỉnh thị sát Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak vào tháng 6-2016.  Ảnh: Đ.T
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo tỉnh thị sát Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak vào tháng 6-2016. Ảnh: Đ.T
Hiện nay, chính quyền địa phương các cấp đã nắm được tình trạng khô hạn, thiếu hụt nước đang xảy ra cục bộ tại hồ chứa thủy điện An Khê-Ka Nak và rất chia sẻ với những khó khăn của Công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành phát điện. Tuy nhiên, chính quyền 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định yêu cầu Công ty vẫn phải tập trung ưu tiên việc cung cấp nước cho hạ du sông Ba để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân. Song do nắng hạn kéo dài đã khiến mực nước hồ Ka Nak xuống rất thấp khiến Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak gặp nhiều bất lợi trong việc phát điện và cấp nước phục vụ hạ du.
Do ưu tiên tích nước để điều tiết trong mùa khô năm 2019 đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc chạy máy phát điện của Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak. Theo đó, từ đầu mùa cạn đến nay, cả 2 nhà máy thủy điện An Khê và thủy điện Ka Nak đã dừng phát điện để tập trung cấp nước cho hạ du sông Ba. Tính đến thời điểm này, nhà máy mới chỉ phát được 30 triệu kWh điện, đạt gần 6% kế hoạch năm 2019 (509 triệu kWh), thấp hơn rất nhiều so với năm trung bình nhiều năm. Hiện mực nước tại hồ thủy điện An Khê và hồ Ka Nak đều ở gần mực nước chết, ảnh hưởng đến hoạt động phát điện của đơn vị. Tuy nhiên, đơn vị vẫn nỗ lực phục vụ xả nước nhằm đảm bảo nguồn nước cho người dân vùng hạ du sản xuất ổn định trong tình trạng hạn hán kéo dài như hiện nay. Bên cạnh đó, Công ty tập trung nghiên cứu để xây dựng chương trình dự báo thực và dự báo trung hạn chế độ thủy văn dòng chảy hồ An Khê phục vụ cho việc vận hành tối ưu hồ và điều tiết xả tràn theo quy trình vận hành liên hồ chứa. “Việc vừa đảm bảo mục tiêu cung cấp điện năng cho hệ thống lưới điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo mục tiêu xả nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du theo yêu cầu của địa phương là một thách thức rất lớn đối với nhà máy”-Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak cho hay.
Mực nước tại hồ Ka Nak hiện đã xuống xấp xỉ mực nước chết. Ảnh: L.N
Mực nước tại hồ Ka Nak hiện đã xuống xấp xỉ mực nước chết. Ảnh: L.N
Ưu tiên cấp nước cho hạ du
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, cùng với cả nước, năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Theo đó, nhiều địa bàn ở Tây Nguyên được dự báo sẽ xảy ra thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là các huyện phía Đông, Đông Nam tỉnh Gia Lai. Hiện nay, lượng nước tại một số hồ đập trong vùng đã thấp hơn rất nhiều so với các năm, trong khi mùa khô phía Đông Nam tỉnh vẫn đang còn kéo dài. Thêm vào đó, từ cuối năm 2018 đã xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở lưu vực sông Ba. Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Hạn hán xảy ra từ cuối năm 2018 do lượng mưa ít và kết thúc sớm, mực nước ở các sông, suối thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Hiện nay, các hồ thủy lợi, thủy điện đã cạn kiệt, xấp xỉ mực nước chết. Tuy nhiên, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak vẫn duy trì dòng chảy để đảm bảo nước tưới cho người dân sản xuất.  
Theo ông Đặng Văn Tuần, cuối tháng 1-2019, Công ty đã nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện An Khê-Ka Nak trong thời gian tới. Theo đó, đối với hồ An Khê, hàng ngày vận hành xả nước liên tục xuống hạ du sông Ba với lưu lượng 4-6 m3/s. Đặc biệt, định kỳ vào ngày 1 hàng tháng, vận hành xả nước liên tục xuống hạ du với lưu lượng 30 m3/s trong 5 giờ liên tục, từ 8 giờ đến 13 giờ. Riêng hồ Ka Nak, vận hành điều tiết nước về hồ An Khê đảm bảo đủ nước cấp cho hạ du phục vụ nhu cầu sử dụng sinh hoạt, tưới cho cây trồng. Trong trường hợp hồ An Khê xuống đến mực nước chết thì sẽ vận hành xả nước xuống hạ du sông Ba qua đập tràn An Khê theo nguyên tắc lưu lượng xả bằng lưu lượng vào. Còn đối với hồ Ka Nak nếu xuống đến mực nước chết thì sẽ tạm dừng vận hành xả nước xuống hạ du để chờ tích trữ nước đảm bảo lớn hơn hoặc bằng mực nước chết.  
2 tổ máy của thủy điện Ka Nak giờ chỉ còn 1 tổ máy vận hành để tập trung cấp nước cho hạ du sông Ba. Ảnh: L.N
2 tổ máy của thủy điện Ka Nak giờ chỉ còn 1 tổ máy vận hành để tập trung cấp nước cho hạ du sông Ba. Ảnh: L.N
Bên cạnh đó, ngày 21-6, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 1396/UBND-NL về việc thống nhất đề xuất Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak vận hành hồ chứa thủy điện An Khê để chống hạn và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Từ giữa tháng 6 đến nay, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã thực hiện 6 đợt xả nước, mỗi đợt kéo dài 3 ngày liên tục với lưu lượng xả bình quân 4-6 m3/s xuống vùng hạ du sông Kôn, đoạn qua xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) và xả liên tục xuống hạ du sông Ba, đoạn qua huyện Kbang, thị xã An Khê để đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt cho người dân và tưới cho cây trồng. Mới đây, đại diện Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã đi kiểm tra thực tế tình hình xả nước chống hạn cho các vùng hạ du trên. Kết quả cho thấy, sông Ba đoạn qua huyện Kbang, thị xã An Khê đã cơ bản đáp ứng được nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Còn tại vùng hạ du sông Kôn đoạn qua xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đã đảm bảo nước tưới cho 97,4 ha lúa vụ hè thu gieo sạ từ ngày 1-5-2019.
Theo báo cáo của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak, hiện nay, nguồn nước về hồ Ka Nak chỉ đạt 0,8 m3/s. Để đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du, Công ty đã đề xuất phương án vận hành chống hạn theo yêu cầu của tỉnh Bình Định và sự thống nhất của tỉnh Gia Lai cùng các bộ, ngành. “Ngay sau khi có yêu cầu và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Công ty đã vận hành xả nước cứu hạn cho vùng hạ du kịp thời. Đồng thời, Công ty đã thông báo cho chính quyền địa phương phía hạ lưu nhà máy thủy điện An Khê để phối hợp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Trong những tháng còn lại của năm 2019, Công ty sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc điều tiết hợp lý nguồn nước các hồ chứa, bảo đảm giảm tối đa tác động của tình trạng nắng nóng, hạn hán xảy ra ở các lưu vực sông. Công ty cũng sẽ cùng các cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ việc vận hành của hồ chứa, bảo đảm cấp đủ lượng nước tối thiểu theo yêu cầu ở vùng hạ du, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra”-ông Tuần nhấn mạnh.
 NAM SANG

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.