Săn "hàng bãi" Nhật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu thiên đường của chị em là các shop đồ si, đồ sổ thì với giới mày râu là những điểm bán “hàng bãi” thương hiệu Nhật. Tại đây có tất cả các loại dụng cụ, máy móc, thiết bị cầm tay... cả những loại hàng hiếm được bán với hình thức cân ký.
Sáng cuối tuần, trước tiệm “hàng bãi” Nhật (số 1041 đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku), hàng chục chiếc xe máy và cả ô tô đậu dày đặc. “Hôm nay, ông Hòa nhập hàng mới về nên tôi phải tới sớm, tới trễ không còn đồ mình cần”-anh Đào Gia Bảo (hẻm 2 đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku), một khách hàng quen thuộc vừa nói ngắn gọn vừa vội vàng len vào giữa hàng chục người đang lom khom đào bới đống dụng cụ bằng sắt, thép lớn có, nhỏ có được đổ la liệt trên sàn nhà.
  Anh Đoàn Hùng bày bán “hàng bãi” Nhật trên vỉa hè.   Ảnh: H.D
Anh Đoàn Hùng bày bán “hàng bãi” Nhật trên vỉa hè. Ảnh: H.D
Đó là một cảnh tượng khá ồn ào và vui vẻ. Mỗi người cầm trên tay cái cào nhỏ, cán dài chừng 30 cm để xới đống đồ lên hòng tìm được món đồ mình cần hoặc thích, bởi đống dụng cụ bằng kim loại này thực sự khó xới bằng tay, dễ gây trầy xước, nhiễm trùng. Người thì say sưa với cưa, đục, búa, dao..., người thì xới hú họa. Họ trao đổi với nhau rôm rả về một món đồ vừa tìm được. Có người đi cùng với bạn, người này tìm được món người kia thích thì lại trao đổi.
Trong khi đó, gian bên cạnh dành cho các dụng cụ, máy móc loại lớn như: máy khoan, máy đục, cưa máy, máy mài, máy cắt, phụ tùng ô tô có thương hiệu của Nhật như Makita, Toshiba, Hitachi... dành cho những người muốn dùng hàng chất lượng nhưng ngại mua mới vì giá khá đắt. Như chiếc máy cưa đĩa Makita 5806B có giá khoảng 1,3 triệu đồng/chiếc thì tại đây chỉ có giá gần 200 ngàn đồng. Hay máy khoan cầm tay mua mới có giá dao động từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/cái (tùy hãng) thì ở đây chỉ chừng trên 100 ngàn đồng/cái. Tất nhiên không thể so sánh hàng cũ với hàng mới, song hầu hết các loại dụng cụ, máy móc ở đây đều có thể dùng tốt, đảm bảo tiêu chí “bền-tốt-rẻ”.
Những người “ngoại đạo” hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những người đàn ông bề ngoài lấm lem có, chỉn chu có lại say sưa hàng tiếng đồng hồ với đống đồ cũ. Anh Nguyễn Văn Hòa-chủ tiệm-cho biết: “Hàng này tôi lấy ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Nhìn vậy thôi chứ đồ tốt, đồ hiếm đều nằm trong này đấy. Có những món mới nhìn thì rỉ sét nhưng về cọ rửa sạch sẽ là như mới. Có những món không được như mới nhưng vẫn dùng được, mà giá thì rẻ hàng chục lần. Ở đây tôi không bán theo món mà cân ký. Lớn nhỏ gì cân ký hết, mỗi ký 80.000 đồng”.
Như xác nhận lời chủ tiệm, anh Bảo cũng chia sẻ: “Tôi thì thích rìu. Hồi trước tôi hay lang thang trên mạng để kiếm những con rìu dáng đẹp, độc, lạ nhưng ít khi mua được, vì cái nào vừa đăng lên là cũng hết ngay, tôi mua không kịp. Có lần tôi đặt một cái rìu của người dân tộc bản địa từ tận Lạng Sơn về chỉ để thỏa mãn thú sưu tầm. Từ khi biết tiệm “hàng bãi” này, tôi ra khá thường xuyên. Tôi mua khá nhiều cưa, đục, dao để phục vụ cho sở thích làm mộc của mình, ưng nhất là tôi cũng tìm được mấy cái rìu cũ của Nhật. Lúc mua nhìn nó hơi sứt mẻ, rỉ sét, nhưng về tôi làm lại, mài bén thì lung linh như mới, dáng đẹp. Mà ai cũng biết, hàng của Nhật thì chất lượng miễn bàn rồi”-anh Bảo hồ hởi nói.
Đặc biệt, tại đây, chị em vẫn có thể “bon chen” vì có thể tìm thấy rất nhiều vật dụng nhà bếp có chất lượng và còn mới như muỗng, nĩa, kéo, cây đập thịt... Chị Hà-khách hàng của tiệm-cho hay: “Chồng tôi thích lựa đồ ở đây, tôi đi theo cho vui thôi nhưng thỉnh thoảng cũng đã tìm được khá nhiều đồ dùng nội trợ”.
“Cũ người mới ta”, “bền-tốt-rẻ” chính là điều khiến khách hàng hài lòng khi tìm đến các tiệm “hàng bãi”. Khác với cửa tiệm của anh Hòa, nơi anh Đoàn Hùng chọn để bán hàng là một vỉa hè rộng, thoáng trước căn nhà số 360 Lý Thái Tổ (TP. Pleiku). Ngoài các mặt hàng thông thường như hàng gia dụng, cưa, đục, dao, búa... thì nơi đây còn bán khá nhiều loại cần câu máy phục vụ cho các khách hàng thích câu cá. Được biết, anh Hùng là người kinh doanh “hàng bãi” Nhật khá nhiều năm ở TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) và hiện đang tìm thị trường mới ở Gia Lai. Anh Hùng cho hay: “Tất cả các mặt hàng ở đây là tôi đã chọn lựa kỹ càng, khách hàng mua về thì yên tâm là còn sử dụng tốt. Ở Gia Lai, hàng bán vẫn chưa chạy bằng Đak Lak, nhưng tôi tin rồi thị trường này sẽ phát triển hơn”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.