Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, trước hết, chúng ta cần rất thận trọng với những thị trường nhập khẩu “dễ tính” như Trung Quốc những năm trước đây. Những năm ấy, do nhu cầu cao, Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu nông sản Việt Nam không chỉ theo đường chính ngạch mà còn cả đường tiểu ngạch, nghĩa là hàng rào kỹ thuật rất lỏng lẻo. Chính sự dễ dãi này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đâm ra ỷ lại, không chú trọng nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, mà chỉ quan tâm tới số lượng, lấy nhiều thay tốt.
Ảnh internet
Ảnh internet
Thời bao cấp, có một câu khẩu hiệu khá phổ biến là “Nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Đó là một khẩu hiệu hết sức… vô lý bởi không thể có chuyện vừa nhiều, vừa nhanh, vừa rẻ lại vừa tốt được. Khi Việt Nam xuất được hàng nông sản giá rẻ sang Trung Quốc thì rất mừng. Nhưng đi kèm với đó là nỗi lo khi thị trường này siết chặt hàng rào kỹ thuật với nông sản Việt Nam.
Điều này giờ đã xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã sụt giảm, mạnh nhất lại là gạo, rau quả, mì lát và các sản phẩm từ mì. Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc dựng lên hàng rào kỹ thuật với nông sản Việt Nam không phải là điều quá lo ngại. Nó là thách thức, nhưng đồng thời cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam có ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Một khi hàng xuất khẩu của Việt Nam đã đạt chuẩn châu Âu hay chuẩn Mỹ chẳng hạn, thì lo gì không đạt chuẩn… Trung Quốc. Và lúc đó, doanh nghiệp Việt có thể bình tĩnh xuất hàng đi khắp thế giới mà không lo bị trả hàng về. Như TS. Võ Trí Thành-nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương-đã khuyến cáo: “Tìm cơ hội xuất khẩu sẽ là “cuộc chơi lớn” mà Việt Nam phải chấp nhận trong xu thế hội nhập. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường, các doanh nghiệp mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững, bất chấp mọi thị trường”. Đúng là như vậy. Chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tâm thế: hàng của tôi là hàng xịn, tôi không ngại bất cứ hàng rào kỹ thuật nào. Chỉ như vậy, công cuộc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam mới bền vững, chủ động, linh hoạt, có thương hiệu, được tín nhiệm trên nhiều thị trường quốc tế.
Với Gia Lai, các mặt hàng nông sản có thể xuất khẩu của tỉnh rất phong phú, vấn đề chỉ là “chuẩn chất lượng” và tìm thị trường thích hợp. Hiện các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó, cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, trung bình đạt 200-300 triệu USD/năm. Một tỉnh có kim ngạch xuất khẩu như thế là có động lực để nâng cao và mở rộng ngành hàng xuất khẩu của mình. Cũng đừng quá chú trọng những thị trường “dễ tính” vì sự dễ tính nào cũng có giới hạn, có thời hạn, trong khi đó, sự “khó tính” lại khiến ta phải tự vượt lên, tự nâng cấp những mặt hàng của mình để đạt chuẩn quốc tế. Phải đi những bước vững chắc và căn cơ như thế để về lâu về dài, hàng xuất khẩu của Gia Lai được đón nhận trên nhiều thị trường của thế giới, từ dễ tính tới khó tính.
Có một vấn đề mà Gia Lai cần thay đổi, đó là chủ động tự tìm thị trường để chào hàng xuất khẩu, không bị lệ thuộc vào “đầu mối” trong nước, dù đó là đầu mối ở thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai có bề dày sản xuất kinh doanh nhưng chủ yếu vẫn là thu mua nông sản rồi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, có nghĩa họ vẫn chỉ là đại lý chứ chưa thu mua, xuất khẩu trực tiếp. Sản xuất là một chuyện, còn xuất khẩu lại là chuyện khác. Vì thế, để thoát khỏi phận “đại lý xuất khẩu” thì phải học tập, nghiên cứu để tự mình có thể tìm thị trường xuất khẩu, hoặc liên kết với nhau trong nội bộ tỉnh để tìm đường cho hàng xuất khẩu. Điều đó không chỉ làm cho lợi nhuận của mình tăng thêm mà khả năng chủ động cũng cao hơn, và mới có được thương hiệu của nhà xuất khẩu.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.