Chống buôn lậu,gian lận thương mại và hàng giả ở Gia Lai:Hiệu quả tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã nỗ lực, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Nhờ đó, số vụ vi phạm trong lĩnh vực này đã được kéo giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Giảm 1.000 vụ vi phạm
Ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh-cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các sở, ngành, địa phương chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt. Những vấn đề nóng, nổi cộm được chú trọng tập trung xử lý; hiệu quả công tác đạt cao hơn cùng kỳ, nhất là việc điều tra, khởi tố vụ án. Lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.476 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng, khởi tố 45 vụ với 51 đối tượng; trong đó, có 519 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 942 vụ vi phạm về gian lận thương mại, điều kiện kinh doanh; 15 vụ liên quan đến hàng giả. So với cùng kỳ năm 2018, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 9,3 tỷ đồng; số vụ vi phạm giảm 40,38% (tương đương 1.000 vụ).
  Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra số sách giáo khoa giả.   Ảnh: H.T
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra số sách giáo khoa giả. Ảnh: H.T
Để đạt được kết quả trên, các cơ quan thành viên BCĐ 389 tỉnh đã triển khai nghiêm túc những văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh căn cứ theo tình hình thực tế của đơn vị; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả (nhất là trong các dịp lễ, Tết) để đề ra các phương án, kế hoạch kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể diễn ra; tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm và tăng cường hoạt động phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng đến các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân như: lương thực, thực phẩm, sữa, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đo lường, ghi nhãn hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, nơi có nguy cơ cao gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành chức năng còn kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Cùng với đó, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên đôn đốc việc điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Là thành viên của BCĐ 389 tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh chống gian lận thương mại và ngăn chặn thành công nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vào thị trường nội tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 211 vụ với 260 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại; thu giữ hơn 1.014 kg pháo nổ các loại, 10 tấn quần áo giả nhãn hiệu Nike, trên 1.350 m3 cát, 11.256 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, 4 cá thể tê tê Java, hơn 166 m3 gỗ các loại, 1.710 hộp và chai mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, 5.080 chai thuốc bảo vệ thực vật cùng nhiều mặt hàng có giá trị khác. Đồng thời, cơ quan Công an xử lý hành chính 81 vụ với 93 đối tượng; khởi tố 18 vụ với 49 bị can. Cùng với đó, các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Kiểm lâm, Thanh tra chuyên ngành… cũng đã phát hiện gần 300 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 308 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế.
Vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của BCĐ 389 tỉnh, trong những tháng đầu năm, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ và thị trường nội tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số đối tượng người Việt Nam móc nối với các chủ hàng người Campuchia đưa hàng lậu ra sát biên giới, sử dụng người đi trước canh đường để tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng, lén lút sang Campuchia mua và chia nhỏ hàng hóa rồi vận chuyển về tập kết ở khu dân cư, bìa rừng; sau đó bán lại cho các chủ đầu nậu hoặc vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Tình trạng này tập trung ở khu vực các đường mòn phía Nam Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cũng như khu vực tiếp giáp giữa xã Ia Dom và Ia Nan (huyện Đức Cơ).
Lực lượng chức năng lập biên bản về hành vi gian lận thương mại. Ảnh Hồng Thi
Lực lượng chức năng lập biên bản về hành vi gian lận thương mại. Ảnh: Hồng Thi
Ở thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng cấm, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các mặt hàng chủ yếu gồm: thuốc lá điếu, quần áo may sẵn, giày dép, mũ, quần áo đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu, mỹ phẩm, thực phẩm (bánh, kẹo, nước tăng lực, bột ngọt…), hàng bách hóa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, động vật rừng, hàng điện tử, lâm sản, khoáng sản… Ngoài ra, hoạt động buôn bán hàng hóa trên các trang mạng xã hội diễn ra phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính và quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
“Thời gian qua, dù tổng số vụ vi phạm có giảm nhưng số vụ khởi tố hình sự so với cùng kỳ năm trước lại tăng (tăng 24 vụ và 38 đối tượng-P.V). Điều này cho thấy phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động hơn. Đáng chú ý, đầu tháng 7 vừa qua, lực lượng Quản lý Thị trường còn phát hiện gần 4.000 cuốn sách giáo khoa giả, chủ yếu là sách tham khảo và sách ngoại ngữ, Tin học từ lớp 1 đến lớp 9 được bày bán tại các nhà sách trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Sê. Đây cũng là lần đầu tiên ngành chức năng phát hiện bất thường ở mặt hàng mà ít ai nghĩ sẽ bị làm giả này”-ông Hà cho hay.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Đội Quản lý Thị trường số 12 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh) đã tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí, Cơ sở kinh doanh Toàn (TP. Pleiku) và Siêu thị-Nhà sách Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện 3 cơ sở trên đang tàng trữ 3.577 quyển sách giáo khoa để bán ra ngoài thị trường, gồm sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9, sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 7 và sách Tin học. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số sách trên đều ghi của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, có tem 7 màu hình tròn, thẻ cào và seri để truy cập hướng dẫn sử dụng nhưng các chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đội Quản lý Thị trường số 12 đã tạm giữ số hàng hóa này để xác minh. Sau đó, đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục tại TP. Đà Nẵng đã kết luận tất cả số sách và tem dán trên sách đều là giả.
Cũng theo ông Hà, trong những tháng cuối năm 2019, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, việc tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân sẽ tăng cao, kéo theo tình trạng nhập lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh cũng sẽ có những hành vi vi phạm tinh vi hơn để đối phó với lực lượng chức năng. Vì vậy, đơn vị sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên; mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm; phối hợp tốt với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương có liên quan triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu, hàng giả từ nơi khác về Gia Lai để tập kết hoặc tiêu thụ; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, công chức, trong đó chú trọng đến công tác thu thập, xử lý thông tin, trinh sát, nắm bắt tình hình địa bàn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.