Việt Nam tăng 3 bậc trong báo cáo về phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ 4 về tiến độ thực hiện SDG, Việt Nam ở vị trí 54, vươt 3 bậc so với năm ngoái, Đan Mạch đạt thứ hạng cao nhất với 85,2 điểm.
Bà con nông dân ở xã Phong An, huyện Phong Điền thu hoạch hoa atiso đỏ. (Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)
Bất chấp những cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhiều chính phủ vẫn chưa triển khai những bước đi quan trọng để đạt mục tiêu.
Đây là nội dung được đề cập trong báo cáo đánh giá thường niên lần thứ 4 về tiến độ thực hiện SDG do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức vừa công bố.
Báo cáo đưa ra chỉ số SDG đánh giá kết quả thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của 162 nước và vùng lãnh thổ dựa trên thang điểm từ 0 (kém nhất) đến 100 điểm (tốt nhất) và xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Theo bảng xếp hạng vừa công bố, Đan Mạch đạt thứ hạng cao nhất với 85,2 điểm hướng tới đạt kết quả tốt nhất trong tất cả các SDG, trong khi Cộng hòa Trung Phi xếp cuối danh sách này với 39,1 điểm.
Điểm trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á là 65,7, trong đó Thái Lan có thứ hạng cao nhất với 73 điểm, xếp thứ 40 trong bảng xếp hạng 162 nước và vùng lãnh thổ.
Các nước còn lại gồm Việt Nam (vị trí 54, vươn 3 bậc so với năm ngoái), Singapore (thứ 66), Malaysia (thứ 68), Philippines (thứ 97), Indonesia (thứ 102), Myanmar (thứ 110), Lào (thứ 111) và Campuchia (thứ 112).
Báo cáo cho thấy chưa có quốc gia nào đạt được tất cả 17 mục tiêu Liên hợp quốc đề ra. Nhiều nước đã chính thức thông qua SDG, tuy nhiên chỉ 18 trong 43 nước được khảo sát đề cập đến SDG trong kế hoạch ngân sách của chính phủ.
Theo báo cáo, các nước có thu nhập cao đang gây ra những tác động lớn đến môi trường và kinh tế-xã hội. Báo cáo chỉ rõ các “thiên đường thuế” và hoạt động bí mật của ngân hàng là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hỗ trợ tài chính cho SDG.
Bên cạnh đó, báo cáo trên lưu ý việc sử dụng quỹ đất và sản xuất lương thực chưa đáp ứng được nhu cầu của con người, trong khi ngành nông nghiệp đang phá hoại đa dạng sinh học, lãng phí nguồn nước và chiếm tới 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới.
Báo cáo cho thấy 2 tỷ người thiếu dinh dưỡng, 800 triệu người thiếu ăn, trong khi tỷ lệ béo phì gia tăng và 33% lượng lương thực sản xuất ra bị lãng phí.
Để giải quyết triệt để những vấn đề cản trở tiến độ đạt SDG này, các tác giả báo cáo đề xuất chuyển đổi sản xuất theo hướng khai thác bền vững quỹ đất và các hệ thống lương thực cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi, sử dụng hiệu quả, nông nghiệp bền vững kết hợp với lâm nghiệp và tiêu dùng lành mạnh.
(TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.