Liên kết vùng: Vì đâu chưa vững?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.
Theo đó, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) hiện nay không phải là cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước, chưa có nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của Vùng. Đồng thời, Hội đồng vùng chưa được trao quyền trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương do đó làm giảm hiệu quả các hoạt động điều phối vùng.
 
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế TP.HCM đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần tạo nên chuyển động liên kết vùng.
Đó là một trong những hạn chế đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra mới đây về việc tổng kết hoạt động liên kết vùng 6 tháng đầu năm 2019.
"Mạnh ai người đó làm"
Được biết, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Luật, Nghị quyết (Cấp Quốc hội, UBTVQH ban hành), Nghị định chưa có quy định cụ thể về các hoạt động liên kết vùng mà mới có các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vùng kinh tế trọng điểm và cơ chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.
Điểm "nghẽn" thứ 2 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra trong hoạt động liên kết vùng đó là huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm còn hạn chế. Bởi, Trung ương chưa có cơ chế về nguồn lực cho vùng mà chỉ phân bổ từng địa phương. Do đó các dự án liên kết khó huy động nguồn lực do liên quan đến các địa phương khác nhau.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển các vùng KTTĐ đã được phê duyệt nhưng chưa theo kịp xu thế phát triển, thường phải điều chỉnh cục bộ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho liên kết vùng chưa "vững". Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải tại một số đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.
Chính bởi chưa có cơ chế điều phối đủ mạnh nên liên kết trong các ngành cụ thể còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa gắn với nhu cầu và đòi hỏi thực tiễn: như các ngành giao thông vận tải; công nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo và sử dụng lao động; khoa học công nghệ; quản lý tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Những điều này kéo theo việc thu hút đầu tư còn rời rạc, chưa có nhiều dự án quy mô lớn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên vùng. Mặc dù "hiện nay, các địa phương khuyến khích thu hút đầu tư nhưng đôi khi còn xảy ra tình trạng “mạnh ai người đó làm”, mới nhìn đầu tư ngắn hạn mà chưa tính lâu dài, tổng thể, dẫn đến chồng chéo trong thu hút đầu tư", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
3 đề xuất chính sách
Xuất phát từ những tồn tại trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng tính liên kết vùng và phát triển bền vững. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế, chính sách. 
Trước tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cụ thể, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển liên kết vùng (Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015; Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015; Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015) có hiệu lực trong giai đoạn 2015-2020.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh và ban hành các Quyết định về liên kết vùng. Trong đó có các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ của các bộ, ngành và dự kiến danh mục dự án cụ thể gắn với nguồn lực, từ đó có căn cứ thực hiện các hoạt động liên kết vùng trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 một cách hiệu quả.
Hai là, tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho các Hội đồng vùng KTTĐ. Hoàn thiện thể chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng vùng. Phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ đạo, các Hội đồng vùng, các Bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Ba là, hoàn thiện mô hình tổ chức đối với thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL” gồm đại diện lãnh đạo 13 địa phương trong vùng để có sự kết nối và có các giải pháp kịp thời đối với các vấn đề của toàn vùng.
Ngọc Hà (Diễn đàn doanh nghiệp)

Có thể bạn quan tâm