Gỗ Việt sắp được cấp 'visa' vào EU

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 1.6, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và châu Âu có hiệu lực. Giấy phép này sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải thực hiện.
Gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào EU dự báo tăng mạnh trong năm nay. Ảnh: HAWA
Trong 4 tháng đầu năm nay, gỗ và các sản phẩm từ gỗ gần như là ngành hàng duy nhất trong nhóm nông, lâm, thủy hải sản đạt tốc độ tăng trưởng dương và tỷ lệ tăng đến hai con số. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,1 tỉ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự báo tốc độ tăng trưởng cao sẽ tiếp tục duy trì vì từ ngày 1.6 năm nay Hiệp định VPA/FLEGT - Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Hiệp định được thực thi sau 8 năm đàm phán. 
Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp phù hợp với quy định của EU. Từ đó, phía EU có thể xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ bất kể gỗ được khai thác trong nước hay gỗ nhập khẩu trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU. Giấy phép FLEGT sẽ thay thế hàng loạt giấy tờ, chứng từ mà hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang phải nộp cho nhà nhập khẩu EU để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Ông Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, cho biết: Việt Nam là quốc gia thứ hai ở khu vực châu Á mà EU đã ký kết Hiệp định này, sau Indonesia. Từ sau khi Indonesia triển khai cấp giấy phép FLEGT, đồ gỗ nước này đã có sự tăng trưởng mạnh tại EU so với trước đây. Đồ gỗ Việt Nam cũng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ khi Hiệp định được thực thi, bởi Việt Nam đang có nguyên liệu rừng trồng cũng như nhập khẩu lớn, ổn định.
Châu Âu là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ 4, chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Hiện có hơn 400 doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này.
Chí Nhân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.