Chính phủ "gánh"thay 97 triệu USD nợ do Giấy Phương Nam bán không ai mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương. Sau thời gian dài rơi vào tình trạng “bán không ai mua” do dự án không hoạt động, đến nay, Quỹ Tích lũy trả nợ đã phải ứng ra 97 triệu USD trả nợ thay cho dự án này.
Nhà máy bột giấy Phương Nam đã đấu giá nhưng không có nhà đầu tư mua. (Ảnh minh hoạ)
Trong một báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2018 gửi tới các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ cho biết, năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam số tiền 7,61 triệu EUR, tương đương 8,13 triệu USD, nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR, tương đương khoảng 97 triệu USD.
Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.
Trước đó, Dự án nhà máy Giấy Phương Nam được biết tới là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), từng thẳng thắn chia sẻ về trường hợp ở Tổng Công ty giấy Việt Nam, tại Nhà máy bột giấy Phương Nam, đã đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư mua.
“Nhà máy Giấy Phương Nam đòi 1.000 tỷ mới bán thì khó vì dự án hoạt động đâu”, ông Đặng Quyết Tiến nhận xét.
Thông tin cụ thể hơn về dự án Nhà máy Giấy Phương Nam trong nội dung báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết: “Sau khi việc tổ chức bán đấu giá lần đầu tiên không thành công, Tổng Công ty đã chủ động làm việc với các Bộ ngành liên quan để đề xuất phương án tiếp theo để tiếp tục bán đấu giá Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Đến nay, Tổng công ty đã thực hiện xong việc định giá lại Dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá Dự án theo quy định”.
Theo đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng với Đơn vị tư vấn định giá lại Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, hoàn thành công tác định giá lại Dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá Dự án theo quy định, dự kiến trong Quí II/2019.
Được đánh giá là một trong số 3 dự án dở dang, nằm trong nhóm 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy vào tháng 7/2017, gia hạn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9/2017 nhưng không thành công do giá trị thẩm định của Dự án theo các qui định hiện hành là quá cao và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục triển khai bán đấu giá Dự án trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành công.
Chia sẻ về phương hướng giải quyết trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho hay: “Hướng xử lý trong thời gian tới đối với Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là sau khi Bộ Công Thương phê duyệt kết quả định giá, tập trung xây dựng phương án bán đấu giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm và phương án bán để tổ chức bán Dự án theo quy định”.
Nguyên Phương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.