Xăng dầu tăng giá: Doanh nghiệp và người dân "thắt lưng buộc bụng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ trong tháng 4, mặt hàng xăng dầu đã 2 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng khoảng 1.600 đồng/lít dầu diesel, 2.690 đồng/lít xăng RON 95 và 2.480 đồng/lít xăng E5 RON 92. Theo dự báo, việc liên tục tăng giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Việc xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành các sản phẩm dịch vụ của một số nhóm ngành, trong đó có ngành vận tải. Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho biết: “Theo chu kỳ tính giá 15 ngày thì giá xăng dầu đã tăng từ ngày 17-4. Tuy nhiên, không phải cứ xăng dầu tăng giá là các doanh nghiệp lại đề nghị tăng giá vé, giá cước. Hiệp hội chưa có chủ trương tăng giá vé vận tải hành khách trong thời điểm này để phục vụ việc đi lại của người dân trên địa bàn trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 được thuận lợi”. Cũng theo ông Hải, hiện các doanh nghiệp vận tải vẫn phải gồng mình khi chi phí tăng. Song, trong kỳ tính giá tiếp theo, nếu giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng thì lúc đó các doanh nghiệp mới tính đến phương án tăng giá vé nhằm đảm bảo doanh thu.
  Xăng dầu tăng giá đã trực tiếp tác động đến đời sống của người dân. Ảnh: THANH NHẬT
Xăng dầu tăng giá đã trực tiếp tác động đến đời sống của người dân. Ảnh: Thanh Nhật
Xăng dầu tăng giá cũng tác động rất lớn đến chi phí của doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Theo anh Lê Thành Tín-một chủ xe tải chuyên chở hàng tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh, với việc giá dầu tăng 2 lần liên tiếp như vậy, chi phí nhiên liệu của chủ xe sẽ đội lên khá nhiều. Trong khi đó, chủ xe còn phải chi trả các loại phí đường bộ, tiền sửa chữa, bảo dưỡng xe, tiền lương cho người lao động… Với rất nhiều khoản chi như vậy, nếu giữ giá cước vận tải hàng hóa, chủ xe chỉ có nước huề vốn chứ khó mà có lãi. “Để cân bằng lợi ích giữa chủ xe và chủ hàng, tôi đang tính thương lượng lại giá vận chuyển tăng từ 500 ngàn đồng/tấn hàng hóa lên khoảng 600 ngàn đồng/tấn để bù lại khoản chi phí nhiên liệu tăng thêm”-anh Tín nói.
Trong khi các nhà xe vận chuyển hàng hóa đang lên phương án điều chỉnh giá cước thì các hãng taxi lại đang cố giữ giá cước để giữ thị phần. Ông Nguyễn Đình Hùng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Hùng Nhân Gia Lai-cho hay: “Hiện taxi Hùng Nhân có 170 xe các loại. Trước mắt, để giảm áp lực tăng chi phí từ xăng dầu cho các tài xế, Công ty đang lên phương án hỗ trợ bằng cách tăng mức ăn chia cho lái xe để đảm bảo họ có thu nhập ổn định. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, việc giữ chân khách hàng bằng cách ổn định giá, tăng chất lượng phục vụ là rất quan trọng. Dù giá xăng dầu tăng 2 lần liên tiếp nhưng Công ty vẫn đang giữ giá cước ổn định. Nếu thời gian tới giá xăng dầu tiếp tục tăng, Công ty mới tính đến việc điều chỉnh giá cước”.
Hiện toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp vận tải hành khách và 376 đơn vị vận tải hàng hóa. Giá cước vận tải hành khách của tỉnh thời điểm này vẫn thấp hơn so mặt bằng chung các tỉnh lân cận và được các doanh nghiệp xây dựng ổn định từ năm 2017 đến nay nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Chi phí nhiên liệu cấu thành đến 35-40% giá thành trong kinh doanh vận tải. Theo Luật Giá, các doanh nghiệp được quyền quyết định giá cước, nếu giá đầu vào tăng thì các doanh nghiệp có thể đề xuất tăng. Tuy nhiên, việc xây dựng giá thường có một biên độ lâu và ổn định chứ không phải cứ lúc nào xăng dầu điều chỉnh giá là doanh nghiệp điều chỉnh cước. Đặc biệt, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây, các doanh nghiệp không phụ thu giá vé từ Gia Lai đi các tỉnh vì tình trạng lệch chiều không cao, phần là nhằm đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, cũng như là sự tri ân khách hàng của các doanh nghiệp vận tải”.
Chi phí nhiên liệu tăng không chỉ khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong kinh doanh mà còn trực tiếp tác động đến đời sống người dân. “Trong thời điểm này, mọi chi phí sinh hoạt, sản xuất tăng mạnh trong khi thu nhập từ sản xuất nông nghiệp sụt giảm khiến người lao động như chúng tôi buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm tối đa chi phí trong sản xuất, hay nói cách khác phải lấy công làm lời mới mong được chút dư dả”-anh Trần Minh Trung (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) chia sẻ.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm