Xử lý sai phạm vụ bán cảng QuyNhơn kéo dài sẽ tạo kẽ hở'chạy tội'(?)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh cho rằng, việc bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho tư nhân là sai trái với chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước nên những tổ chức, cá nhân dính líu sai phạm dù đương chức hay đã về hưu đều phải bị xử lý nghiêm, công bằng trước pháp luật.
Quá coi thường pháp luật!
Trả lời phỏng vấn báo Dân Việt, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh (nhiệm kỳ 1996-2001) cho biết, ông từng phản đối kịch liệt việc bán hết vốn sở hữu nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân. Bởi, cảng có tầm chiến lược, không chỉ kinh tế mà còn cả an ninh, quốc phòng. Vị trí, hoạt động của cảng Quy Nhơn gắn với khu vực Tây Nguyên, các vùng Đông Bắc Campuchia, hạ Lào nên để tư nhân nắm giữ là một điều rất sai lầm.
Ông Thanh cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận (vào tháng 9.2018) đã phơi bày trước ánh sáng với hàng loạt sai phạm của tổ chức, cán bộ trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Quyết định này rất hợp lòng dân, thế nhưng câu chuyện xử lý sai phạm đằng sau kết luận của thanh tra thì lại quá chậm.
“Chẳng biết có chuyện ‘đi đêm’ để mua cảng giá rẻ hay không nhưng sai phạm đã rõ ràng rồi thì phải xử nhanh chóng. Nếu cứ để kéo dài thì tôi nghĩ không cần thiết, tạo kẽ hở chạy tội”, ông Thanh nói.
Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh. Ảnh: H.Q
Ông Thanh cũng cho rằng: “Việc bán hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là sai trái với chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Cảng là tài sản chung của Nhà nước của nhân dân, không thể nào mang bán hết cho tư nhân được. Họ lợi dụng cổ phần hóa để ‘biến’ tài sản quốc gia cho tư nhân thì quá coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân đã mang bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân với giá rẻ”.
Cựu bí thư Bình Định cũng đưa ra 3 vấn đề cốt lõi cần được làm rõ đó là: tổ chức, cá nhân nào đã bán 100% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân? Ai đã xác định giá trị của cảng Quy Nhơn chỉ có 404 tỷ đồng. "Với giá trị này thì chỉ cần bán 2 cẩu và thương hiệu cảng Quy Nhơn là đủ. Cần làm rõ có tổ chức ‘lợi ích nhóm’ hoạt động ở đây hay không?".
Bộ GTVT sai, tỉnh Bình Định cũng sai
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP vào tháng 9.2018), cơ quan này đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá cảng Quy Nhơn. Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh Bình Định cũng bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm được nêu...
TTCP xác định, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT, Thủ tướng cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó tiếp tục đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trách nhiệm này thuộc về một số lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010 - 2015.
 Cảng Quy Nhơn có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Từng trả lời Dân Việt ngay sau khi có kết luận thanh tra, cựu bí thư Bình Định Nguyễn Văn Thiện nêu lý do: “Thời điểm đấy, tôi ký văn bản do bị áp lực bởi cảng quá tải, không ai giải quyết được nên tỉnh muốn nhà đầu tư phát triển. Còn cổ phần hóa như thế nào, bán cho ai, làm gì… thì Bộ GTVT làm chứ tỉnh làm sao biết được? Tôi ký văn bản đề nghị vào tháng 7.2015, thực tế trước đó Bộ GTVT đã định hướng thỏa thuận bán cảng cho doanh nghiệp rồi”.
Cũng từng trả lời Dân Việt, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc thừa nhận đã ký 2 văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến đề nghị cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, đây không phải là ý kiến cá nhân mà làm việc theo ‘chỉ đạo’ từ ông Nguyễn Văn Thiện.
“Tôi nghỉ hưu từ ngày 1.11.2014 nhưng thực tế việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn còn diễn ra ở năm 2015 nên tôi không biết gì cả. Bản thân tôi không mua cổ phần, không tham gia định giá, không liên quan gì đến Cảng Quy Nhơn, người thân của tôi cũng không có ai mua cổ phần ở cảng. Sau khi tôi nghỉ hưu, đến tháng 7.2015, ông Nguyễn Văn Thiện còn ký văn bản Tỉnh ủy gửi Bộ GTVT liên quan đến việc cổ phần hóa, chứng tỏ rằng việc này không phải của tôi”, ông Lộc nói.
Đặc biệt, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu nhà nước vì Bộ này đã ban hành hai văn bản chuyển nhượng 26,01% cổ phần và 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, là trái thẩm quyền, vi phạm nhiều quy định.
Bên trong cảng Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn
Ngày 15.1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã ký quyết định Bộ GTVT hủy bỏ 2 văn bản hành chính trái luật nêu trên. Ngoài ra, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải đàm phán để lấy lại 75,01% cổ phần từ công ty Hợp Thành về lại sở hữu Nhà nước.
Lãnh đạo Vinalines cho biết, đơn vị này không chấp nhận mua lại 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn theo mức giá thị trường mà Vinalines chỉ dồng ý mua lại cảng Quy Nhơn với mức giá như ban đầu đã bán cho Công ty Hợp Thành.
Còn các khoản như mất đi chi phí cơ hội hoặc lãi suất ngân hàng đối với số tiền trước kia nhà đầu tư bỏ ra để mua cảng thì sẽ được tính toán thêm. Tiền đã có sẵn, Vinalines ‘quyết tâm’ thu hồi trong tháng 3 này hoặc trước lúc Đại hội cổ đông ở cảng Quy Nhơn diễn ra (khoảng tầm tháng 4.2019).
Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh cho rằng,  việc bán cảng Quy Nhơn cho tư nhân đã sai từ trên xuống dưới, có trách nhiệm của rất nhiều cán bộ, lãnh đạo. Ở nước ta, không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng nên cán bộ về hưu hay đương chức đều bị xử lý như nhau, công bằng trước pháp luật.
“Bộ GTVT đã ban hành 2 văn bản sai để Vinalines bán cho công ty Hợp Thành với 75,01% cổ phần nhà nước. Vậy trách nhiệm của Chính Phủ mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - người ký công văn đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT, cho phép bán hết vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn đến đâu, Bộ GTVT, Vinalines đến đâu, ngoài ra các Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký văn bản đề nghị bán cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân sẽ bị xử lý thế nào…
Người dân vẫn đang chờ xem sẽ xử lý hình sự hay hành chính, nếu cần thiết phải chuyển hồ sơ để Bộ Công an vào cuộc”, ông Tô Tử Thanh kiến nghị.
Dũ Tuấn (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.