Làm gì để phát triển cà phê đặc sản?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cà phê là một trong những đồ uống quan trọng, chiếm trên 4% thị phần toàn cầu. Trước những năm 90 của thế kỷ 20, cà phê là đồ uống cao cấp dành cho tầng lớp thượng lưu của các nước phương Tây. Ngày nay, đây là đồ uống thông dụng dành cho mọi tầng lớp nhân dân.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), mức tăng trưởng tiêu dùng cà phê trung bình hàng năm là 2%. Thế hệ trẻ của những quốc gia truyền thống uống trà như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đang chuyển sang văn hóa thưởng thức cà phê ngày càng đông.
 
Việt Nam có điều kiện thuận lợi phát triển cà phê đặc sản
Chất lượng, hương vị cà phê phụ thuộc vào yếu tố đầu tiên là thổ nhưỡng. Cà phê trồng trên đất đỏ bazan ở độ cao càng cao so với mực nước biển, nơi sương mù quanh năm bao phủ như Cầu Đất (Đà Lạt), Buôn Hồ (Đăk Lăk), Sơn La, hương càng thơm, ngọt dịu. Những nơi này có độ cao 1.000m so với mực nước biển. Cà phê Moka Cầu Đất của Việt Nam tham gia thử nếm ở Paris năm 2015 được Huy chương bạc và pha trộn cả Arabica, Robusta được Huy chương đồng. Năm 2018, Hiệp hội Cà phê châu Á thử nếm đã xếp cà phê Moka Đà Lạt đứng thứ 2, trên cả cà phê Vân Nam (Trung Quốc) và Indonesia.
Yếu tố thứ 2 là giống cà phê, các dòng khác nhau cho hương vị khác nhau, như: Cà phê Arabica hương thơm, vị chua; Robusta vị đậm đặc nhưng ít hương hơn. Chính vì thế, nhiều quán cà phê đã trộn 2 loại lại để tạo hương vị đặc trưng.
Thứ 3 là cách chế biến. Từ khâu tạo nguyên liệu, thu hái chín, chế biến đúng quy trình, tạo hương thơm đặc trưng, không lẫn mùi lạ. Chế biến ướt cà phê phải hái chín 100%, thơm ngon hơn chế biến khô. Khâu pha chế và xây dựng thương hiệu tạo ra chất lượng khác biệt và giá trị cao cho hạt cà phê.
Trên thế giới, sản lượng cà phê khoảng 150 triệu bao (60kg), nhưng cà phê đặc sản chỉ chiếm 0,022%. Giá trị 1 kg cà phê đặc sản gấp 3 - 4 lần 1 kg cà phê bình thường. Ở Việt Nam, căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, cho phép phát triển cà phê đặc sản. Nước ta đã xây dựng và cấp chỉ dẫn địa lý cho các vùng cà phê này như Buôn Hồ, Cầu Đất, Sơn La. Tuy vậy, việc triển khai, tổ chức quản lý, đăng ký thương hiệu, quảng bá thương hiệu với thế giới chưa làm tốt nên phần giá trị thu được do chất lượng cà phê của vùng chưa được cộng vào giá bán, chưa tạo được ý thức từ người trồng, người kinh doanh xuất khẩu đến khâu chế biến về giá trị của cà phê đặc sản.
Để phát triển cà phê đặc sản, đóng góp một phần vào giá trị gia tăng của hạt cà phê, trước hết phải rà soát và bổ sung vùng thổ nhưỡng cho phép trồng các loại cà phê có hương vị đặc trưng; phát triển vùng cà phê Oganic. Thứ hai, phát triển các giống có chất lượng, hương vị thơm ngon như Bourbon, Culi… ở vùng Cầu Đất. Thứ ba, triển khai thực hiện tốt ba vùng cà phê đã được cấp chỉ dẫn địa lý, đăng ký để các nước công nhận, từ đó bán hàng giá cao hơn. Cuối cùng, là cách chế biến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và giới thiệu văn hóa thưởng thức, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng.

Có vùng nguyên liệu được xem là đặc sản mới chỉ là bước đầu. Bước quan trọng để tăng giá trị là khâu chế biến, bao bì, đóng gói, tạo sự khác biệt, quảng bá và văn hóa thưởng thức cà phê.

Công Thương/Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam

Có thể bạn quan tâm