Đánh thức các nguồn năng lượng tái tạo đang ngủ yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thuỷ điện, sở hữu nguồn năng lượng gió tốt nhất khu vực Đông Nam Á… nhưng việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo này vẫn còn rất khiêm tốn.
Với Việt Nam, chúng ta dồi dào nguồn năng lượng tự nhiên để sản xuất điện. Tới nay, hệ thống các nhà máy thủy điện lớn nhỏ đã phủ kín các vùng miền cả nước. Đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, thủy điện rất phát triển. Nhiều địa phương không thể xây dựng thủy điện to thì làm thủy điện nhỏ.
Điện gió- hướng mới trong phát triển điện năng.
Nguồn nhiệt điện của đất nước cũng rất lớn. Đó là nhà máy nhiệt điện chạy than, dầu. Nhiều năm qua, nhiệt điện và thủy điện đã đem đến động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước. Tuy chưa được như ý, nhưng hiện nay điện đã đến được tận các làng bản xa xôi, ra tận những hòn đảo gần bờ.
Đất nước phát triển càng cần điện, nếu không tìm kiếm thêm những nguồn năng lượng “phi truyền thống” thì nguy cơ thiếu điện sản xuất, điện sinh hoạt là rõ ràng.
Chính vì thế, việc đưa những nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu là gió và năng lượng mặt trời) vào hệ thống điện quốc gia là điều rất cần thiết và có thể nói là không chậm trễ được nữa.
Tiềm năng đang ngủ yên
Nói như ông Gareth Ward- Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam thì lợi thế của Việt Nam là tia nắng mặt trời rất dồi dào, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tốc độ gió nơi này rất tốt, và đây sẽ là lựa chọn tốt cho tương lai khi phát triển năng lượng tái tạo.
Với bất cứ quốc gia nào, năng lượng (cụ thể là điện) luôn được ví như mạch máu trong cơ thể. Càng phát triển thì điện, năng lượng càng cần thiết, cũng giống như điện đã làm thay đổi quá trình phát triển của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện, phong điện, điện mặt trời, địa nhiệt…
Sở hữu nguồn năng lượng gió tốt nhất khu vực Đông Nam Á và 2.000-2.500 giờ nắng mỗi năm tương đương gần 44 triệu tấn dầu quy đổi, nhưng lâu nay Việt Nam lại chưa khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này.
Theo Viện Năng lượng, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió khá lớn (1.800 MW), đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào. Hiện tại, Công ty Fuhrlaender (Đức) đã hỗ trợ công nghệ cho Việt Nam, đưa 6 tổ turbine gió công suất mỗi tổ 1,5 MW vào vận hành tại Bình Thuận và cung cấp điện vào hệ thống điện quốc gia.
Về năng lượng mặt trời, nhiều nước trên thế giới đã ra thác hiệu quả nhưng ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm này. Theo ông William Pham, Giám đốc Công ty Cenergy Power, một công ty khai thác hiệu quả năng lượng mặt trời ở Châu Âu và Mỹ, Việt Nam là nước có mức độ bức xạ nhiệt khá cao nên có thuận lợi rất lớn khi khai thác nguồn năng lượng này.
Năng lượng mặt trời dùng để sản xuất điện ở Việt Nam chủ yếu là công nghệ nguồn điện pin mặt trời được ứng dụng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đánh thức các tiềm năng
Mặc dù nhiều tiềm năng, song Việt Nam hầu như chưa ứng dụng được năng lượng tái tạo vào phát triển sản xuất. Phần lớn các công nghệ năng lượng tái tạo quá đắt, vận hành và bảo dưỡng tương đối phức tạp nên chỉ phát triển khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc nguồn tài trợ nước ngoài.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và khuyến khích hoạt động của các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của chiến lược là đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; trong đó năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5-49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110-120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310-320 triệu TOE.
Đặc biệt, mục tiêu của chiến lược là tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện bộ khung pháp lý về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo Việt Nam.
Năm 2009, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng mới và tái tạo Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và Dự thảo Nghị định Khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.
Cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo tập trung vào điện khí hóa cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo bằng nguồn năng lượng tái tạo; các dự án nguồn điện nối lưới khả thi về kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo; hoạt động sản xuất nhiệt bằng nguồn năng lượng tái tạo; nghiên cứu khoa học công nghệ bằng năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có bước phát triển nhảy vọt trong việc khai thác các nguồn năng lượng mới. Ngoài nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối cũng sẽ được đầu tư khai thác.
Theo Nguyễn Lương (Moitruong.net.vn)

Có thể bạn quan tâm