Cà phê Việt nhọc nhằn "leo dốc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê đã có một năm 2018 chìm trong gian khó, giá cà phê chạm đáy đẩy nhiều nông dân vào cảnh khó khăn trong khi thị trường thế giới có nhiều biến động. Quy hoạch lại vùng sản xuất, đẩy mạnh chế biến sâu là giải pháp cần thực hiện ngay lúc này để đưa cà phê Việt lên... dốc.
Một năm “làm không công”
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu cà phê năm 2018 đạt 1,88 triệu tấn, giá trị kim ngạch 3,5 tỷ USD, tăng 19,9% về khối lượng và 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Có thể thấy bức tranh chung của ngành cà phê năm 2018 là giá biến động theo xu hướng giảm cùng với xu hướng chung của thị trường thế giới. Cụ thể, hồi tháng 12.2018, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 2.200 - 2.500 đồng/kg, xuống còn 31.800 – 32.600 đồng/kg. Giá cà phê giảm do thị trường thiếu vắng sức mua đầu cơ mới và báo cáo khối lượng hàng xuất khẩu ngắn hạn gia tăng đáng kể. Nhìn chung, trong cả năm 2018, giá cà phê trong nước biến động giảm với mức giảm 2.200 – 2.300 đồng/kg bởi sức ép dư cung lên thị trường cà phê toàn cầu.
 
Năm 2018, ngành chế biến, xuất khẩu cà phê tiếp tục chìm trong gian khó.ảnh: Khánh Nguyên
Những ngày sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giá cà phê khu vực Tây Nguyên cũng không có sự cải thiện đáng kể, khi giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 32.600 – 33.300 đồng/kg. Người dân Tây Nguyên đã có một năm “làm không công”.
Ông Vương Đình Danh (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, vụ cà phê năm 2018, rất ít người trồng có lợi nhuận do giá cả giảm, cà phê lại mất mùa. Ông Danh cho hay, vào vụ mùa cà phê năm 2017, với 4ha cà phê, gia đình ông thu được hơn 25 tấn, trừ chi phí, gia đình ông vẫn lãi được 17 tấn. Giá cà phê năm ngoái đạt khoảng 36 triệu đồng/tấn nên ông có thu nhập khá. Nhưng năm nay, ông chỉ thu được 12 tấn cà phê nhân, giảm một nửa so với năm ngoái, trong khi giá lại tiếp tục giảm nên xem như ông không có lời.
Trong 2 niên vụ liên tiếp, sản lượng cà phê sụt giảm do ảnh hưởng bởi khí hậu mưa nắng thất thường, khiến cây cà phê ra hoa không đồng loạt. Cùng đó là hiện tượng rụng trái non cũng khiến nông dân đau đầu. Thế nhưng, vấn đề chính khiến nhiều nông hộ ở Tây Nguyên lo lắng là giá cà phê sụt giảm liền trong 3 niên vụ gần đây. Giá cà phê luôn neo ở mức thấp, thời điểm cao nhất chỉ đạt khoảng 42.000 đồng/kg cà phê nhân, còn lại chỉ dao động trong khoảng 32.000 – 36.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh nông dân luôn khát vốn sản xuất, thậm chí phải vay nặng lãi để đầu tư trồng cà phê, mức giá quá thấp trong thời gian dài khiến nhiều người không cầm cự nổi, nhiều người đã phá cà phê chuyển sang trồng cây khác.
Năm 2019, chưa hết khó?
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, cùng với cả nước, năm 2019 các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El nino. Mới chỉ bước vào đầu cao điểm khô, một số khu vực của Tây Nguyên đã thiếu nước nghiêm trọng và dự báo khô hạn có khả năng diễn ra khốc liệt vào mùa khô 2019. Tại Đăk Lăk, hầu hết các vườn cà phê ba lần ra hoa nhưng không đủ nước tưới nên rụng hoa, ít quả. Đến nay, vườn cà phê đã có quả “bói sớm”.
Tương tự, tại Gia Lai, 4 năm trở lại đây, lưu lượng nước trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, rất nhiều sông, suối cạn đáy 

Để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt, Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu bảo đảm có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch; hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt, nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch…


khiến người trồng cà phê điêu đứng. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng gặp phải tình trạng quả cà phê có nhân rất nhỏ hoặc không nhân. Nguyên nhân là do một số trận mưa lớn kéo dài làm cho cây cà phê bị nhiễm nhiều loại bệnh hại ảnh hưởng đến chất lượng hạt.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), với tình trạng hạn hán thiếu nước tưới, El Nino, sâu bọ hoành hành, không đủ nhân lực do giá thành tăng cao mà giá cà phê lại xuống quá thấp, liên tục biến động, người trồng cà phê hoang mang không còn mặn mà nhiều đến chăm sóc vườn cà phê của mình sẽ khiến cho sản lượng cà phê trong niên vụ này và cả niên vụ tới bị sụt giảm đáng kể.
Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cũng dự báo thời gian tới, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm do kinh tế toàn cầu có khả năng tăng trưởng chậm lại sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu tiêu thụ cà phê.
Trước những khó khăn của ngành cà phê, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần quy hoạch lại diện tích vùng trồng cho phù hợp, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu.
Đăk Lăk là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước, so với niên vụ 2016-2017, niên vụ 2017 – 2018, cà phê xuất khẩu của Đăk Lăk giảm hơn 5% về sản lượng; tương đương khoảng 10.000 tấn. Theo ngành nông nghiệp Đăk Lăk, một phần là do người nông dân đang thực hiện việc tái canh các vườn cà phê già cỗi, kém hiệu quả, năng suất thấp.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk, chính quyền địa phương không có chủ trương tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, đồng thời tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt. Đặc biệt, tập trung nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chế biến sâu cũng là điều cần thiết, bởi xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam hiện chiếm tới 90%, trong khi tỷ lệ cà phê chế biến sâu, giá trị gia tăng cao chỉ mới chiếm 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân. Trong khi đó, cơ hội đầu tư chế biến sâu cà phê đối với Việt Nam là rất lớn. Theo Vifoca, cà phê chế biến, cụ thể là cà phê hòa tan, đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và được dự báo sẽ còn tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.
Khánh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm