Nghịch lý điện mặt trời thiếu... đường dây truyền dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điện mặt trời là nguồn năng lượng "sạch" được khuyến khích phát triển trong thời gian qua nhưng bất cập đã nảy sinh khi hệ thống truyền tải lên lưới điện quốc gia không theo kịp. Trong khi đó, một số dự án truyền tải mới vẫn chưa thể triển khai.
Cấp tập xây nhà máy, lưới điện quá tải
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ trong vòng chưa đến một năm sau khi Thông tư 16 ngày 12/9/2017 về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời có hiệu lực, Tập đoàn này đã ký 54 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư, với tổng công suất gần 3.000 MW, vượt xa mục tiêu của của Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh (850 MW đến trước 2020).
Nhà máy điện mặt trời nổi được xây dựng trên diện tích 57ha tại hồ thuỷ điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Thống kê sơ bộ đến nay, công suất của hàng loạt các dự án điện mặt trời được phê duyệt đã vượt quy hoạch điện VII (bổ sung) tới 9 lần.
Tại Bình Định, tổng công suất điện mặt trời lên tới 750 MW, kể cả dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và dự án đang đàm phán. Còn tại Ninh Thuận, đã có gần 700 MW công suất điện mặt trời đã được ký hợp đồng mua bán điện và hơn 1.000 MW đang chờ ký.
Theo các chuyên gia về ngành điện, lẽ ra khi các dự án được xây mới, công suất tăng vọt thì hệ thống dây truyền tải cũng phải được đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, các đường dây truyền tải hiện đang rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải vì chưa được đầu tư mới.
Theo Quyết định của Thủ tướng, để được hưởng mức giá bán điện mặt trời là 9,35 cent/kWh trong thời gian 20 năm, các dự án điện mặt trời phải đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, riêng tỉnh Ninh Thuận được gia hạn tới hết năm 2020. Các dự án “chậm chân” hơn thời điểm trên sẽ phải bán điện với mức giá thấp hơn.
Đây là lý do khiến chỉ trong vài năm, nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã ồ ạt đổ tiền vào đầu tư điện mặt trời để được hưởng ưu đãi.
“Nguồn và lưới phải đi với nhau. Muốn thêm nguồn thì phải có lưới để tải điện. Trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh chưa tính đến sự xuất hiện của các nhà máy điện mặt trời cụ thể mà chỉ dự báo tương lai sẽ huy động được mức công suất này từ năng lượng tái tạo", ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, Trung tâm đã buộc phải giảm đồng thời các nhà máy điện mặt trời đang cùng được đấu vào lưới, khiến tất cả các nhà máy điện mặt trời bị giảm về công suất huy động so với thiết kế. Điều này vô hình trung gây thiệt hại đáng kể cho nhà đầu tư vì họ đã tính toán đầu tư dài hạn cho 20 năm, trong khi thực tế không phát điện được như dự tính do lưới điện quá tải.
Mòn mỏi chờ dự án lưới điện giải tỏa công suất
Về lâu dài, Bộ Công Thương đã chính thức đề nghị Chính phủ cho bổ sung xây dựng mới 11 dự án lưới điện vào Quy hoạch điện lực quốc gia để thu gom và truyền tải công suất các nhà máy điện mặt trời lên hệ thống điện quốc gia
Lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ với tốc độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Ảnh: Công Thử/TTXVN
Tuy nhiên, việc đầu tư thêm các dự án lưới điện đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Đức Cường, đầu tư đường dây và trạm biến áp không thể làm nhanh như nhà máy điện mặt trời. Nhiều tuyến đường dây truyền tải hiện chưa có trong quy hoạch và cần trải qua các thủ tục, quy trình về đầu tư theo quy định hiện hành với các bước như bổ sung quy hoạch - lập dự án - phê duyệt và triển khai xây dựng... Điều này tốn khá nhiều thời gian.
Chưa kể, các dự án năng lượng tái tạo có thời gian thi công xây dựng chỉ khoảng 6 - 12 tháng trong khi xây dựng các lưới truyền tải điện phải mất từ 3 - 5 năm. Do đó, việc phát triển đồng loạt và tập trung các dự án điện tái tạo với quy mô lớn trong một khu vực sẽ gây khó khăn cho khâu truyền tải. Điều này là hậu quả của việc phát triển quá nóng, phá vỡ quy hoạch.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường dây truyền tải điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư xã hội hóa một số công trình lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, theo tiết lộ của các chuyên gia trong ngành điện thì suất đầu tư truyền tải của năng lượng tái tạo cao gấp 3 lần so với thông thường. Điều này sẽ cản bước nhà nhà đầu tư rót tiền vào làm lưới điện truyền tải điện mặt trời, nếu như không có cơ chế ưu đãi phù hợp.
Hơn nữa, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền quản lý lưới điện truyền tải. Các dự án truyền tải điện nếu được xã hội hóa đầu tư rồi chuyển giao thì vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong hoạt động đầu tư, khấu hao, giá thành, phí truyền tải như đối với doanh nghiệp nhà nước.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm nay ước tính sẽ có khoảng 2.600 MW điện mặt trời đưa vào vận hành. Cục đang cân đối kế hoạch cung cấp điện 2019, kiểm tra tiến độ các dự án triển khai thế nào. Các dự án đưa vào vận hành phải đảm bảo khả năng truyền tải, gồm truyền tải khu vực và truyền tải lên lưới điện quốc gia.
“Hiện nay, các nguồn điện năng lượng tái tạo theo cơ chế bên mua bắt buộc phải mua, đó là sự ưu đãi cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường điện nhưng một mặt cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn để làm sao tích hợp các nguồn năng lượng này vào thị trường điện, đồng thời nghiên cứu khả năng cho phép các nhà máy điện trực tiếp bán điện cho các hộ sử dụng điện, giải tỏa cho lưới điện truyền tải quốc gia”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Cục Điều tiết điện lực cũng đã chỉ đạo EVN đẩy mạnh các dự án truyền tải điện mới để hạn chế tình trạng nghẽn mạch, làm sao để lưới điện phân phối và lưới điện truyền tải sử dụng được hết các nguồn điện, bao gồm cả nguồn điện năng lượng tái tạo, giúp truyền tải được điện từ nơi sản xuất đến khách hàng sử dụng điện.

Bài học điện gió của Trung Quốc: Hiện tại, tổng công suất lắp điện gió tại Trung quốc cỡ 200 GW, trong khi tại Mỹ chỉ có khoảng 100 GW. Thế nhưng sản lượng điện gió phát ra hàng năm tại Mỹ lại cao hơn Trung Quốc, cho thấy hiệu quả phát điện của điện gió Trung Quốc rất thấp. Nhiều dự án lắp xong không thể phát điện vì không có lưới - đây là hậu quả của việc phát triển nóng, thiếu đồng bộ.

Hoàng Dương (Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm