Krông Pa: Tích cực thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cấp ủy, chính quyền huyện Krông Pa, Gia Lai không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Nguồn lực từ bên ngoài này đã từng bước thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển, đời sống của người dân được nâng cao.
Xúc tiến nhiều dự án lớn
Giữa vùng đồi rộng lớn ở buôn MLang (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa), dù trời nắng như đổ lửa nhưng từng tốp công nhân thi công dự án Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLicogi 16 vẫn hối hả làm việc. Tiếng máy trộn nổ giòn giã, từng dòng bê tông xi măng đổ xuống phần móng của những trụ sắt đã dựng sẵn dùng để chống những giá đỡ các tấm pin năng lượng mặt trời.
Ông Nguyễn Minh Tuấn-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai-khẳng định: Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và huyện Krông Pa cùng các ban ngành, dự án Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLicogi 16, công suất 40 MWp trên diện tích 48 ha tại xã Chư Ngọc đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2025. Đặc biệt, nhờ có sự hỗ trợ trong khâu giải phóng mặt bằng, dự án giai đoạn 1 có công suất 15 MWp đã được triển khai thi công từ tháng 1-2019, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 6-2019 với sản lượng khai thác 22.036 MWh/năm. Dự án giai đoạn 2 (công suất 25 MWp) sẽ được vận hành vào năm 2020 hoặc 2021 trên diện tích xây dựng là 30 ha.
   Công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai đang đẩy nhanh tiến hộ hoàn thành dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời giai đoạn 1 tại xã Chư Ngọc. Ảnh: M.N
Công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai đang đẩy nhanh tiến hộ hoàn thành dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời giai đoạn 1 tại xã Chư Ngọc. Ảnh: M.N
Theo ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa, ngoài Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa tại xã Chư Gu có công suất 49 MW (công suất tối đa 69 MWp), tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thì nhiều dự án điện mặt trời khác trên địa bàn huyện cũng đang được xúc tiến. Cụ thể, dự án của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên, Công ty TNHH một thành viên Trang Đức có cùng công suất 49 MWp và vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; dự án của Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Tô Na có công suất 17 MWp với vốn đầu tư 370 tỷ đồng đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, dự kiến thi công trong năm nay. Bên cạnh đó, 14 dự án phát triển điện mặt trời khác cũng đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu đầu tư và hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, việc Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát đưa vào vận hành nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất 260 tấn/ngày đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn, khai thác tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, việc đầu tư hơn 375 tỷ đồng xây dựng khu liên hợp trên diện tích gần 40 ha gồm 4 nhà máy: sản xuất sirô cô đặc; sản xuất, chế biến đường và tinh bột mì; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất phân vi sinh tổng hợp của công ty này đã góp phần quy hoạch vùng nguyên liệu mía trên địa bàn với 6.000 ha và vùng nguyên liệu mì 12.000 ha.
Bà Bùi Thị Quy-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát-cho biết, ngoài thu mua nguyên liệu của người dân trên địa bàn, Công ty còn giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương khi hệ thống các nhà máy này đi vào hoạt động. “Huyện Krông Pa giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp. Việc xây dựng các nhà máy tại huyện không chỉ nhằm thu mua mía, mì cho người dân mà qua đó còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Nếu có sự hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp sẽ tạo được sự ổn định trong phát triển sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân”-bà Quy nhấn mạnh.
Những kết quả khả quan
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, huyện Krông Pa đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, từ đó tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Năm 2018, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,4%; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.692 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 855 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt 33,5 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả đáng ghi nhận với tổng nguồn vốn huy động trên 235 tỷ đồng; 13 xã đạt 151/247 tiêu chí (bình quân mỗi xã đạt trên 10 tiêu chí), riêng xã Phú Cần đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục chuyển biến tích cực.
Xác định việc thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhiều năm qua, huyện Krông Pa luôn kiên trì với chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Điểm nhấn là việc huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. “Lãnh đạo huyện cũng như các ban, ngành luôn giám sát, hỗ trợ về chính sách, tháo gỡ ngay những vướng mắc, nhất là không bao giờ từ chối những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp”-bà Bùi Thị Quy hài lòng cho biết.
Theo ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, huyện đang tiếp tục có chính sách thu hút các nhà đầu tư đến triển khai dự án trên địa bàn. “Cấp ủy, chính quyền tích cực phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Đây là nguồn lực giúp địa phương phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm. Do đó, huyện sẽ tiếp tục đề nghị tỉnh phê duyệt quy hoạch các dự án phát triển ngành công nghiệp điện năng để thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày một đi lên”-ông Chánh khẳng định.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm