Đón Tết ngon cùng thực phẩm "nhà làm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, mỗi dịp đón Tết Nguyên đán, thay vì sử dụng các sản phẩm bánh mứt, thịt khô… làm sẵn, nhiều gia đình lại tìm đến với các cơ sở cung cấp thực phẩm “nhà làm”. Vì thế, thực phẩm “nhà làm” ngày càng hút khách mỗi dịp Tết đến.
Là công chức nhà nước nhưng từ nhiều năm nay, hai chị em Thái Thị Thu Trang và Thái Thị Thu Loan (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khá “có duyên” với lĩnh vực buôn bán các mặt hàng thực phẩm sạch, hoa tươi và đặc sản Tây Nguyên. “Tết năm nay, mình cung cấp nhiều sản phẩm nhà làm để phục vụ gia đình đón Tết, như: mứt dừa non, hạt macca, thịt kho đông, thịt bò khô… Tất cả đều là các sản do mình và người thân tự làm. Nguyên liệu được lựa chọn kỹ ngay từ đầu vào, quá trình chế biến tuân thủ các quy trình sạch. Bởi vậy, sau thời gian không dài nhưng sản phẩm của chị em mình cung cấp được nhiều khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực”-chị Trang chia sẻ.
Chị Thu Loan đang làm một sản phẩm nhà làm tại cơ sở 233 Phan Đình Giót. Ảnh: Lê Hòa
Chị Thu Loan đang làm một sản phẩm nhà làm tại cơ sở 233 Phan Đình Giót. Ảnh: Lê Hòa
Theo chị Trang, các mặt hàng thực phẩm “nhà làm” ngày càng được nhiều người quan tâm. Khách hàng phần lớn là chị em công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Với sản phẩm mứt dừa non, chị mua dừa trái về tự xắt lát, ngâm rửa và sên mứt. Thịt bò khô, thịt heo kho đông, chị tìm mua thịt tươi ngon về tẩm ướp, chế biến hay măng khô được tìm mua măng rừng tươi và tự phơi sấy... “Quá trình chế biến, mình hoàn toàn không sử dụng bất kỳ một hóa chất nào. Công thức chế biến tương tự như quá trình nấu nướng hàng ngày của người Việt để giữ nguyên hương vị truyền thống của các món ăn”-chị Trang chia sẻ. Các sản phẩm “nhà làm” được chị Trang bán tại nhà với 2 địa chỉ: số 233 Phan Đình Giót và 25/1 Hai Bà Trưng (TP. Pleiku). Chỉ tính riêng mùa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hai chị em Trang-Loan tiêu thụ gần 700 kg thực phẩm, đặc sản các loại.
Mặc dù giá bán mứt dừa non 180-200 ngàn đồng/kg; thịt bò khô 750-800 ngàn đồng/kg; thịt kho đông 130 ngàn đồng/hộp 700 gram; hạt macca sấy 280 ngàn đồng/kg… cao hơn 30-50% so với thực phẩm bán sẵn ngoài thị trường. Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, thực phẩm “nhà làm” vẫn được nhiều chị em quan tâm vì cái Tết không chỉ ngon mà phải an toàn. “Công việc cuối năm bận rộn nên mình không thể tự nấu nướng được nhiều món ngon, trong khi mua ở ngoài thị trường không phải món nào cũng có thể yên tâm sử dụng. Từng đặt mua các sản phẩm “nhà làm” của chị Trang và chị Loan nhiều năm nay nên rất tin tưởng sản phẩm của hai bạn cung cấp”-chị Bảo Ngân, công tác tại Chi cục Hải quan tỉnh chia sẻ.
Mứt dừa vị sữa nhà làm trông bắt mắt, hương vị thơm ngon, dai dẻo đặc trưng. Ảnh: Lê Hòa
Mứt dừa vị sữa nhà làm trông bắt mắt, hương vị thơm ngon, dai dẻo đặc trưng. Ảnh: Lê Hòa
Bước sang mùa thứ hai làm mứt dừa bán dịp Tết, năm nay chị Nguyễn Thị Quỳnh (55/31 Phan Đăng Lưu, TP. Pleiku) cũng tự làm và bán gần 40 kg mứt dừa non cho khách. Ban đầu, chị Quỳnh dự định làm mứt dừa để nhà ăn và biếu một vài khách thân quen. Tuy nhiên, mọi người ăn thấy ngon đã động viên chị Quỳnh làm mứt bán Tết. “Mứt dừa của mình làm với lượng đường vừa đủ, tỷ lệ thường là 1 kg sợi dừa/400 gram đường. Màu mứt được mình chế biến từ rau củ: màu cam từ cà rốt, màu xanh từ lá cơm nếp, màu trắng từ sữa…Vì không có nhiều thời gian, chị Quỳnh chỉ nhận làm khoảng 40 kg mứt dừa trong mùa Tết này. Nhiều khách đặt thêm nhưng chị không nhận. Thuê người phụ làm mứt mình lo chất lượng sẽ không đảm bảo nên không muốn”-chị Quỳnh chia sẻ thêm.
Tương tự, chị Trần Thị Hoa (lô C31, nhà công vụ Quân đoàn 3) cũng làm mứt dừa, khô bò, chả ruốc bông, chả ram bán dịp Tết. “Giá thực phẩm “nhà làm” thường cao hơn sản phẩm bán ngoài thị trường và hạn sử dụng ngắn hơn nhưng khách hàng yên tâm về chất lượng vì biết rõ nguồn gốc xuất xứ. 3 năm nay tôi bán thực phẩm “nhà làm” tuy cực nhọc nhưng cũng kiếm được thu nhập khá để trang trải chi tiêu cho gia đình”-chị Hoa nói. 
Chị Quỳnh đang ướp dừa để làm mứt dừa. Ảnh: Lê Hòa
Chị Quỳnh đang ướp dừa để làm mứt dừa. Ảnh: Lê Hòa
Không thiên về sản phẩm truyền thống, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (số nhà 162/84/15 Trường Chinh, TP Pleiku lại lựa chọn làm kim chi dịp Tết. “Mình rất thích món kim chi và yêu thích việc bếp núc. Một người bạn làm ở nhà hàng Hàn Quốc chỉ có mình cách làm. Bạn ấy cũng từng nhập về bán tại nhà hàng và khách hàng Hàn Quốc ăn khen ngon, từ đó mình mạnh dạn làm bán thử. Toàn bộ nguyên liệu như: lê Hàn Quốc, ớt bột, cải thảo mình mua tại siêu thị hoặc đặt nhà vườn trồng theo phương pháp sạch. Giá mỗi kg kim chi mình bán 100 ngàn đồng. Dù mới bán dịp Tết này nhưng mình đã bán được trên 40 kg kim chi. Hiện tại còn khách nhưng mình ngưng nhận đơn hàng vì còn lo Tết”-chị Ngọc Thúy cho biết.
Nói về xu hướng lựa chọn thực phẩm “nhà làm” sử dụng, chị Nguyễn Thị Quyên, tổ 14, phường Thống Nhất, TP. Pleiku cho rằng: “Bây giờ, sử dụng thực phẩm bán sẵn ngoài thị trường rất e ngại nhà sản xuất làm dụng hóa chất, các chất phụ gia ngoài danh mục, chất bảo quản… và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo. Mua sản phẩm “nhà làm” của người quen, biết nguồn gốc xuất xứ nên yên tâm hơn. Ăn Tết bây giờ không chỉ cần ngon mà phải an toàn”. 
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.