Philippines áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời xi măng Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sản phẩm bị điều tra là xi măng nhập khẩu vào Philippines có các mã HS:2523.2990 và 2523.9000 trong các năm từ 2013 - 2017.
Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 18/1 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã thông báo về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm xi măng nhập khẩu vào Philippines.
Thông báo được đưa ra sau khi DTI điều tra và kết luận lượng nhập khẩu xi măng vào Philippines thời gian 5 năm qua đã gia tăng đột biến. Đây là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời kỳ điều tra.
Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu xi măng lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017.
Do vậy, để bảo vệ ngành sản xuất nội địa cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa tiếp tục phát triển, DTI quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời 8,40Php/túi40kg, tương đương 210 peso/tấn (khoảng 4 USD/tấn).
DTI cho biết, lượng thuế tự vệ này được xác định trên cơ sở cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo lượng cung vẫn duy trì ổn định và giá bán không tăng.
Theo DTI, biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 200 ngày dưới hình thức tiền ký quỹ đối với xi măng nhập khẩu. Sản phẩm bị điều tra là xi măng có các mã HS:2523.2990 và 2523.9000 và thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại được tính từ năm 2013 đến năm 2017.      
Cơ quan điều tra của DTI cho rằng, trong giai đoạn các năm từ 2013 – 2017, lượng xi măng nhập khẩu đã gia tăng đáng kể. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2014 – 2017, tổng lượng xi măng nhập khẩu đã tăng 70% trong năm 2014; 4,390% năm 2015; 549% năm 2016 và 72% năm 2017.
Cũng theo DTI, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu và thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Philippines trong giai đoạn 2014 - 2017. DTI cho rằng, sự gia tăng nhập khẩu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước này thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận cũng như giá bán của ngành sản xuất nội địa.
Nguyễn Quỳnh (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.