Phát triển thương mại và phân phối nông sản Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, lĩnh vực thương mại và phân phối là một mắt xích quan trọng trong sự kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tại Hội thảo khoa học quốc tế thương mại và phân phối-CODI 2018 vừa diễn ra tại tỉnh Kon Tum, nhiều giải pháp hữu ích về phát triển thương mại, thị trường phân phối đã được các nhà khoa học đưa ra.
Thạc sĩ Mai Lưu Huy-giảng viên Khoa Kinh tế (Đại học Văn Hiến) nhận định: Cùng với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động lớn đến đời sống xã hội, đến hành vi tiêu dùng và tất yếu ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới, tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao cạnh tranh. Tuy nhiên, một bộ phận lớn doanh nghiệp Việt Nam còn chưa ý thức được hoặc chưa quan tâm thích đáng đến sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại đã đặt ra nhiều thách thức cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.D
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.D
Để tiếp cận công nghệ mới trong kinh doanh, điều kiện cần của các doanh nghiệp là chất lượng sản phẩm. Về điều này, Thạc sĩ Lê Mai Trang-giảng viên Trường Đại học Thương mại-cho rằng: “Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của nước ta với các sản phẩm điển hình là cà phê, cao su, hồ tiêu… Lĩnh vực sản xuất nông sản xuất khẩu có vai trò quan trọng quyết định sự phát triển của vùng. Mặc dù tiềm năng to lớn nhưng sự phát triển của ngành sản xuất nông sản xuất khẩu hiện hết sức bấp bênh và thiếu bền vững. Do còn hạn chế về chất lượng, chế biến, bảo quản nông sản nên vấn đề thương mại, marketing, nắm bắt thị trường, thị hiếu, tổ chức, nghiệp vụ bán hàng vùng Tây Nguyên cũng gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thương mại tiêu thụ sản phẩm yếu kém là nguyên nhân làm giảm giá trị nông sản xuất khẩu của vùng”.
Thạc sĩ Lê Mai Trang cũng gợi ý chính sách hoàn thiện chuỗi giá trị theo hướng bền vững của ngành sản xuất nông sản xuất khẩu vùng Tây Nguyên. Đó là phải có một quy hoạch vùng hiệu quả, xây dựng kế hoạch liên kết vùng nhằm tạo không gian thống nhất giữa các địa phương để thúc đẩy hợp tác trong từng công đoạn và toàn bộ chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản. Cần có những ưu đãi về thời gian thuê đất; hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn nhân lực để giúp nông dân và các doanh nghiệp ở Tây Nguyên yên tâm đầu tư lớn, tập trung chuyên canh, lựa chọn công nghệ phù hợp. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong khâu chế biến và tạo dựng thương hiệu để nâng cao sự tham gia của hàng nông sản Tây Nguyên trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp Tây Nguyên cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong các khâu của chuỗi, tập trung tháo gỡ các nút thắt trong khâu chế biến, tạo dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường liên kết giữa “4 nhà” để đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ chế biến sâu các nông sản xuất khẩu của khu vực.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thành công của một doanh nghiệp hay rộng hơn là một ngành phụ thuộc lớn vào hiệu quả hợp tác của các chuỗi cung ứng, từ việc mua nguyên-vật liệu, bán thành phẩm, quản lý hàng tồn kho đến phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng còn gặp khá nhiều hạn chế. Điều này thể hiện rõ ở chỗ các doanh nghiệp còn thiếu quy hoạch và tầm nhìn chiến lược trong các mối quan hệ, còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên-vật liệu nhập từ bên ngoài, từ đó làm giảm sức cạnh tranh.  
Trước thực tế đó, PGS.TS. Bùi Hữu Đức-Trường Đại học Thương mại-đã đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp hợp tác trong chuỗi cung ứng. “Các doanh nghiệp cần lên kế hoạch cụ thể trong việc thiết kế và điều hành hoạt động của chuỗi cung ứng, đầu tiên là quyết định lựa chọn đối tác. Hoạt động hợp tác phải dựa trên lợi ích, nhược điểm và sự kỳ vọng cũng như phù hợp với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên xác định các hoạt động hợp tác cụ thể trong chuỗi cung ứng để đảm bảo mức độ hợp tác phù hợp và cần thiết. Đồng thời, cần thiết lập và duy trì bền vững các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo lợi ích giữa các thành viên, lợi ích chuỗi, cũng như chia sẻ rủi ro trên thị trường. Thêm nữa, các doanh nghiệp cần tìm kiếm, mở rộng nhiều quan hệ hợp tác và có kế hoạch đồng bộ hóa các hoạt động hợp tác trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong chuỗi cung ứng”-PGS.TS. Bùi Hữu Đức nhấn mạnh.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.