Gian nan lộ trình phát triển vật liệu không nung: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc sử dụng gạch không nung đang tăng dần qua từng năm chủ yếu theo tác động của Nhà nước bằng những chính sách cụ thể. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ gạch không nung vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế này cho thấy, để Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ triển khai đúng lộ trình, đạt kết quả như mong muốn rất cần những giải pháp căn cơ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Trên đường Phạm Ngọc Thạch (phường Thống Nhất, TP. Pleiku), cứ cách vài chục đến vài trăm mét lại có một cơ sở sản xuất gạch không nung với không gian chật hẹp và máy ép gạch thô sơ. Cơ sở táp lô, vật liệu xây dựng Anh Toàn rộng chừng 100 m2, trong đó nơi đặt máy ép gạch rộng chừng vài chục mét vuông, còn lại là nơi trộn nguyên liệu và phơi thành phẩm. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua 18 thiên gạch 6 lỗ, dù trên bãi mới có khoảng 2-3 thiên nhưng chủ cơ sở sản xuất cam kết qua 1-2 ngày sau sẽ sản xuất đủ. Chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi đặt vấn đề tại cơ sở sản xuất gạch không nung Văn Long (cách cơ sở Anh Toàn chừng 200 m). Rõ ràng, gạch không nung sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ này khó đảm bảo chất lượng bởi dù để làm tường rào hay đưa vào các công trình nhà ở thì gạch không nung phải đảm bảo ít nhất qua 28 ngày dưỡng hộ.
Cơ sở sản xuất gạch không nung Anh Toàn. Ảnh: H.D
Cơ sở sản xuất gạch không nung Anh Toàn. Ảnh: H.D
“Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn; đầu tư chiều sâu, nâng cấp công nghệ cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên-nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất gạch không nung ở các địa phương lại sử dụng công nghệ khá đơn giản, sản xuất nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt của thị trường”-ông Bùi Thanh Bình-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh-cho biết.
Do vậy, để đảm bảo cạnh tranh công bằng cũng như uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bà Phạm Thị Kim Khánh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Minh Gia Lai đề nghị chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng nên vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa nhằm quản lý chất lượng sản phẩm gạch không nung đưa ra thị trường.
Bên cạnh vấn đề chất lượng thì giá gạch không nung cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo tính toán dựa trên công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, gạch không nung cùng kích thước với gạch nung có giá cao hơn khoảng 60%, một mét khối xây gạch không nung có giá thành cao hơn 35% so với gạch nung. Rõ ràng, giá sản phẩm là một trở ngại rất lớn trong việc đưa gạch không nung ra thị trường. Thực tế cho thấy, giá sản phẩm có tác động quyết định đến việc lựa chọn gạch xây của các chủ đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước và nhà ở riêng lẻ. Chọn gạch nung truyền thống luôn là bài toán kinh tế trước mắt đối với đối tượng sử dụng này khi nào còn tồn tại cả 2 loại gạch với giá thành chênh lệch lớn.
Cần những giải pháp dài hơi
Cơ sở sản xuất gạch không nung Văn Long trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP. Pleiku) với máy móc khá thô sơ. Ảnh: H.D
Cơ sở sản xuất gạch không nung Văn Long trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP. Pleiku) với máy móc khá thô sơ. Ảnh: H.D
 
Ngày 18-10-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 736/QĐ-UBND quy định về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung và kế hoạch sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Theo đó, kể từ ngày 30-12-2017, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Cho phép tồn tại đối với nhà máy gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lò vòng cải tiến (lò Hoffman) nhưng đến năm 2020 phải chấm dứt hoạt động.

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Bắc-Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), hệ thống cơ sở văn bản pháp lý nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung cơ bản đã được xây dựng đầy đủ. Hệ thống các tiêu chuẩn về sản phẩm, hướng dẫn thi công, định mức cơ bản đã được xây dựng, bổ sung, soát xét. Bởi vậy, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình đang từng bước nhích dần lên. Nhiều công trình lớn đã sử dụng 80-100% vật liệu xây không nung. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Để vật liệu xây không nung phát huy hiệu quả trong cuộc sống, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 09/2012/TT-BXD theo hướng nâng tỷ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng, đồng thời đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 121/2014/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với các mức phạt cao hơn để việc tuân thủ sử dụng tỷ lệ vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng đi vào nền nếp.
Riêng tại Gia Lai, “Sở Xây dựng đã đề nghị Bộ Xây dựng bố trí kinh phí khuyến công, vốn khoa học hàng năm và ưu tiên hỗ trợ cho các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung; các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất và thi công xây dựng bằng gạch không nung; hỗ trợ, đào tạo cho công nhân đáp ứng trình độ bậc thợ, tay nghề phù hợp và đảm bảo thi công khối xây gạch không nung; hỗ trợ kinh phí chứng nhận hệ thống quản lý và chất lượng sự phù hợp của sản phẩm so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo về vật liệu xây không nung nhằm tư vấn, đào tạo về quy trình sản xuất, hướng dẫn thiết kế và thi công các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung. Đặc biệt, Sở Xây dựng đã kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu khối xây gạch không nung, các chỉ dẫn kỹ thuật làm cơ sở cho các đơn vị tư vấn ban hành chỉ dẫn kỹ thuật đối với từng công trình, rà soát và công bố đầy đủ về định mức dự toán xây dựng công trình đối với loại gạch xây không nung”-ông Trịnh Văn Sang-Phó Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.