Gian nan lộ trình phát triển vật liệu không nung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
* Kỳ 1: Chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc
(GLO)- Với mục tiêu giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải, tiết kiệm nhiên liệu đốt, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho xã hội, ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Sau 8 năm triển khai, sản phẩm vật liệu xây không nung đã từng bước tham gia thị trường vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tại Gia Lai, chương trình này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Gạch không nung từ lâu đã là loại vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi trên thế giới và chứng minh được nhiều ưu việt. Sử dụng gạch không nung cũng phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay.
Tích cực triển khai
Công nhân làm việc tại Nhà máy gạch ngói không nung Tiến Minh Gia Lai (TP. Pleiku).    Ảnh: Đ.T
Công nhân làm việc tại Nhà máy gạch ngói không nung Tiến Minh Gia Lai (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ngày 18-10-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 736/QĐ-UBND quy định về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò Hoffman trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2020. Theo lộ trình, UBND tỉnh cho phép tồn tại đối với nhà máy gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lò vòng cải tiến với nhiên liệu đốt là phế liệu nông nghiệp và phải có nguồn đất sét được khai thác hợp pháp nhưng đến năm 2020 phải chấm dứt hoạt động. Các công trình sử dụng vốn ngân sách và vốn nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Pleiku phải sử dụng tối thiểu 70% vật liệu xây không nung, đến năm 2020 phải sử dụng 100%. Tại các huyện, thị xã, công trình xây dựng khi phê duyệt thiết kế bản vẽ phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung, đến năm 2022 phải sử dụng 100%.  
“Sở Xây dựng đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai Quyết định 736, đồng thời tổ chức làm việc trực tiếp tại một số địa phương có nhiều cơ sở sản xuất gạch nung để triển khai thực hiện. Đến nay, các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch để thực hiện lộ trình”-ông Trịnh Văn Sang-Phó Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết. Còn tại các địa phương, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh cũng đã tích cực triển khai lộ trình. Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: “Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh bằng cách trực tiếp gặp gỡ, thông tin đến các doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu cam kết tới năm 2020 phải chuyển đổi công nghệ, nếu không thì phải dừng hoạt động. Hiện trên địa bàn còn có 3 cơ sở sản xuất gạch nung. Các cơ sở này cũng đã cam kết về việc thực hiện đúng lộ trình”.
Tiến tới chấm dứt sản xuất gạch nung
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung. Khối lượng sản xuất ban đầu đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh. Các loại vật liệu xây không nung đã được đăng ký, kiểm định đánh giá, đưa vào công bố giá vật liệu xây dựng của liên sở, được các đơn vị sản xuất tổ chức công bố hợp quy, hợp chuẩn theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29-9-2017 của Bộ Xây dựng.
   Nhà máy gạch Tòng Tâm (xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã chuyển đổi mô hình sang sản xuất gạch không nung. Ảnh: H.D
Nhà máy gạch Tòng Tâm (xã Tân An, huyện Đak Pơ) đã chuyển đổi mô hình sang sản xuất gạch không nung. Ảnh: H.D

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Bắc-Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m), 150 ngàn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn khí CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác, chưa kể than là loại tài nguyên không thể tái tạo. Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 và Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, cả nước phải chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công. 
Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến quý II-2018, trên địa bàn tỉnh đã có 33 lò nung thủ công ngưng hoạt động hoặc tự tháo dỡ, chủ yếu là của hộ cá thể tập trung tại các huyện: Ia Pa (15 lò), Kbang (1 lò), thị xã An Khê (7 lò), thị xã Ayun Pa (10 lò). Hiện có 13 cơ sở gạch nung sử dụng công nghệ lò vòng cải tiến (lò Hoffman) đang hoạt động với nguồn nguyên liệu đốt là phế liệu nông nghiệp (vỏ trấu, mùn cưa, củi cành cao su…), tổng công suất thiết kế khoảng 156 triệu viên/năm, tập trung ở các huyện: Đak Pơ (2 cơ sở), Phú Thiện (4 cơ sở), Krông Pa (1 cơ sở), Chư Prông (2 cơ sở), thị xã Ayun Pa (3 cơ sở) và thị xã An Khê (1 cơ sở). Theo lộ trình, các cơ sở này sẽ chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi chậm nhất vào năm 2020.
Nhà máy gạch Tòng Tâm (thôn Tân Lập, xã Tân An, huyện Đak Pơ) được đưa vào hoạt động tháng 7-2017 với công suất thiết kế 5 triệu viên gạch/năm. Đây là nhà máy sản xuất gạch không nung sử dụng công nghệ lò Hoffman. Xung quanh vấn đề thời gian chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch, bà Trần Thị Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Tòng Tâm Gia Lai-cho biết: “Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng đắn, vì lúc đó, Nhà máy cũng đã có khách hàng thân thiết, không còn lo về vấn đề tiêu thụ. Còn công nghệ, chỉ cần bỏ lò nung thủ công đi và đầu tư thêm trang-thiết bị như công nghệ ép là được”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.