Gia Lai: Phát triển năng lượng tái tạo gắn với kết nối truyền tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai nằm trong số ít tỉnh thành ở nước ta có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Tuy nhiên, để phát triển được nguồn năng lượng này, theo ông Phương Hoàng Kim-Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), tỉnh phải xem xét tới khả năng kết nối hệ thống truyền tải để có thể hấp thụ toàn bộ điện năng sản xuất.
 Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời lên giá đỡ tại Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa.  Ảnh: MINH TRIỀU
Lắp các tấm pin năng lượng mặt trời lên giá đỡ tại Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa. Ảnh: Minh Triều
Thời gian qua, tỉnh ta rất chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió. Việc phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ khuyến khích đầu tư.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, UBND tỉnh đã cho phép 23 nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 33 dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.951,5 MWp. Trong đó, 2 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 98 MWp, tổng vốn đầu tư 2.672 tỷ đồng đang triển khai các thủ tục đầu tư và thi công; 11 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất là 675 MWp; 20 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với quy mô công suất dự kiến là 3.195 MWp. Bên cạnh đó, còn có 12 nhà đầu tư đang khảo sát, chọn vị trí cho 17 dự án với tổng công suất dự kiến khoảng 1.333 MWp. Đối với điện gió, UBND tỉnh đã đồng ý cho 5 nhà đầu tư lắp đặt trụ đo gió để triển khai khảo sát đánh giá tiềm năng, làm cơ sở nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án điện gió. Còn về điện sinh khối, trong tháng 3-2018, Nhà máy Nhiệt điện Sinh khối An Khê đã được đưa vào vận hành với công suất 110 MW, tổng vốn đầu tư 623 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với Bộ Công thương chiều 21-9, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đề nghị được đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh nhưng việc bổ sung vào quy hoạch rất khó. “Tỉnh đã đề nghị bổ sung quy hoạch rất nhiều dự án nhưng tới nay mới chỉ có 2 dự án được phê duyệt bổ sung. Đề nghị Bộ Công thương quan tâm thẩm định, phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp, đồng thời có những chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực này để Sở Kế hoạch và Đầu tư thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư”-ông Thành nêu ý kiến.
 Hệ thống ghép pin mặt trời ở xã Trang, huyện Đak Đoa.     Ảnh: H.D
Hệ thống ghép pin mặt trời ở xã Trang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Hà Duy
Mặc dù Gia Lai có tiềm năng điện mặt trời và điện gió khá dồi dào song theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương) thì đây là những nguồn năng lượng phân tán, vận hành không liên tục do phụ thuộc vào nguồn sơ cấp (ánh sáng mặt trời và gió), khi phát triển và đưa vào sử dụng một sản lượng lớn sẽ phát sinh những khó khăn về mặt kỹ thuật đối với việc vận hành hệ thống điện, đòi hỏi hệ thống điện phải phát triển ở quy mô đủ lớn. Bên cạnh đó, năng lực lưới điện hiện hữu và lưới điện phát triển theo quy hoạch lại chưa tính đến hết sự xâm nhập lớn của nguồn điện gió và điện mặt trời nên trong tương lai sẽ khó đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng các nguồn điện này, cộng với đặc thù thay đổi liên tục theo sự biến thiên của nguồn năng lượng sơ cấp gió và mặt trời sẽ dễ gây quá tải lưới điện cục bộ, tổn thất điện năng, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải điện địa phương.
“Trong quá trình kêu gọi đầu tư cũng như phát triển lĩnh vực này, tỉnh cần xem xét khả năng kết nối lưới điện, cân nhắc kỹ các yếu tố để đảm bảo lưới điện, hệ thống điện có thể hấp thụ toàn bộ điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời và gió, rồi từ đó có quy hoạch phát triển và kế hoạch đầu tư hợp lý. Bộ Công thương sẽ xem xét để bổ sung những dự án phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đảm bảo các vấn đề về môi trường, về rừng... vào quy hoạch”-Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng Tái tạo lưu ý.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.