Cân đối ngân sách cho cải cách tiền lương không ảnh hưởng đến nợ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV chiều 6-6.
 

Sẽ tính toán trả lương mà vẫn đảm bảo trần nợ công 65%, kiểm soát được chỉ số lạm phát.
Sẽ tính toán trả lương mà vẫn đảm bảo trần nợ công 65%, kiểm soát được chỉ số lạm phát.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá) về việc Chính phủ 3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương, đến nay Trung ương đã có Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương, vậy khả năng cân đối để cải cách tiền lương sẽ như thế nào và liệu có làm tăng trần nợ công không?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho cho biết, Chính phủ có tính toán cân nhắc trình Trung ương thảo luận và quyết định. Theo đó, để tăng lương, giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương; Biện pháp đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách; Giải pháp tài chính mà căn cơ nhất là tăng thu, chống thất thu, tiết kiệm chi tiêu, dành tỷ lệ tăng thu để cải cách tiền lương...

"Quá trình cân đối Chính phủ dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán trả lương mà vẫn đảm bảo trần nợ công 65%, kiểm soát được chỉ số lạm phát. Tăng lương gắn với tăng năng suất lao động thì tăng CPI không lớn, vừa đáp ứng cải cách tiền lương vừa ổn định kinh tế vĩ mô", Phó Thủ tướng khẳng định.

Trước đó, ngày 21-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của NSNN.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

P.V/TCTC

Có thể bạn quan tâm