Cần một bộ giải pháp tổng thể cho vấn đề an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 11-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản".

Nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam luôn nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Ngoài những hạn chế về qui mô sản xuất manh mún, ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao còn hạn chế… Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 25% đến 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại.

 

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, an toàn thực phẩm hiện đang là khó khăn lớn mà Việt Nam gặp phải. Nông sản Việt Nam cũng đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tốt và đã có nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, thủy sản, điển hình như hoa quả. Việc tăng cường chế biến, tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm hơn cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thu nhập cao hơn cho Việt Nam.

Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam vẫn còn thiếu về các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, những kiến thức về an toàn thực phẩm, các phòng kiểm nghiệm còn hạn chế và các chương trình giám sát chưa có được những hiệu quả cao.

Việt Nam đã giảm còn 3 bộ, ngành quản lý về an toàn thực phẩm, nhưng các văn bản pháp quy trong quản lý an toàn thực phẩm đang có sự trùng lắp. Các chiến lược nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đã có nhưng khó thực hiện, cùng với đó là những hạn chế về hạ tầng, nguồn lực… An toàn thực phẩm ở Việt Nam vẫn tập trung vào quá trình sản xuất hơn là quá trình giết mổ, lưu kho, phân phối.

“Không thể chỉ một giải pháp có thể đảm bảo an toàn thực phẩm mà cần có cả một bộ giải pháp tổng thể. Cộng đồng quốc tế có nhiều kinh nghiệm, những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư công nhiều hơn cho an toàn thực phẩm”, ông Ousmane Dione cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xác định rõ phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu.

Kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, phát triển nền nông nghiệp xanh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Bích Hồng (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm