Hạt điều Gia Lai: Cần xây dựng thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh ta có diện tích điều khá lớn-trên 20.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai… Hạt điều Gia Lai được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị thơm, béo… nhờ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Với những tiềm năng trên, Gia Lai hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu hạt điều trong tương lai.

Mở rộng diện tích

Những năm gần đây, giá hạt điều tương đối ổn định và có xu hướng tăng cao khiến bà con trồng điều vô cùng phấn khởi. Đang cùng vợ con nhặt hạt điều trên rẫy, anh Rơ Lah Lim (làng Bi De, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) cho biết: “Hạt điều hiện đang có giá 40.000-45.000 đồng/kg, nên vợ chồng, con cái mình tranh thủ đi thu hoạch về bán. Mỗi ngày, nhà mình thu hoạch được khoảng 1 tạ hạt điều tươi và đem bán luôn cho thương lái hoặc các cửa hàng thu mua nông sản ở xã”. Còn ông Huik (xã Ia O, huyện Ia Grai) cũng cho hay, nhờ 2 ha điều, gia đình ông đã có thu nhập ổn định, bình quân mỗi năm 60-70 triệu đồng.

 

Sản phẩm hạt điều rang củi của Công ty TNHH một thành viên Hải Bình Gia Lai đã có mặt tại nhiều hội chợ.                                   Ảnh: D.Q
Sản phẩm hạt điều rang củi của Công ty TNHH một thành viên Hải Bình Gia Lai đã có mặt tại nhiều hội chợ. Ảnh: D.Q

Trong khi những loại nông sản khác như: cao su, cà phê, hồ tiêu đang gặp khá nhiều thăng trầm vì giá cả bấp bênh khiến nông dân khốn đốn, thì việc đầu tư phát triển cây điều hiện đang được xem là hướng đi vững chắc và ổn định. Đặc biệt, tại huyện Krông Pa-khu vực được ví như “vương quốc” của cây điều Gia Lai-hiện có 4.050 ha (chiếm gần 1/4 diện tích điều toàn tỉnh); năng suất trung bình đạt từ 1 tấn đến 1,5 tấn/ha, thậm chí có những diện tích đạt 3 tấn/ha. Chính vì hiệu quả kinh tế cao, ổn định nên hiện nhu cầu trồng mới cây điều của người dân nơi đây tương đối lớn. Theo khảo sát mới nhất của Hội Nông dân huyện Krông Pa, bà con ở đây đang có nhu cầu trồng mới khoảng 1.500 ha.

Ông Lê Bá Nghiêm-cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, nếu như trước đây, cây điều chỉ là giải pháp để bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số “xóa đói, giảm nghèo” thì giờ đây, cây điều hoàn toàn có thể trở thành cây… làm giàu! Lý giải cho nhận định này, ông Nghiêm nói: Cây điều rất dễ trồng, không kén đất, có thể chịu đựng khô hạn tốt mà không tốn nhiều vốn đầu tư cũng như công chăm sóc. Cây điều cũng phát triển nhanh, lại cho sản lượng cao nên hoàn toàn có thể trở thành cây công nghiệp chủ lực của các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển ngành chế biến

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn, cây điều còn tạo cơ hội phát triển ngành xuất khẩu và chế biến của tỉnh, nhiều doanh nghiệp nhờ đó ngày càng lớn mạnh, đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách địa phương. Có thể kể đến Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Đây là một trong những nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu lớn nhất trên địa bàn Tây Nguyên, với công suất thiết kế 8.000 tấn hạt điều thô/năm, hàng năm tổng doanh thu thuần của Công ty đạt khoảng 20 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước trên 1 tỷ đồng.

 

“Cần sớm có định hướng xây dựng thương hiệu hạt điều Gia Lai”

Ông Phạm Thanh Tuấn-Phó Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Hiện chưa có tổ chức nào đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm hạt điều Gia Lai. Theo tôi việc xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm này là hết sức cần thiết, cần sớm có phương án, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” như đã xảy ra với một số nhãn hiệu tập thể khác”.

Cũng là doanh nghiệp chuyên về thu mua, chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh, mỗi năm Công ty TNHH một thành viên Hải Bình Gia Lai xuất bán ra thị trường 500-700 tấn hạt điều thô và thành phẩm. Theo ông Lưu Hoàng Sơn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hải Bình Gia Lai, Công ty thành lập từ năm 2013, ban đầu chủ yếu là thu mua và chế biến hạt điều thô. Với trăn trở tại sao sản lượng điều thô của Gia Lai cao nhưng trên thị trường toàn nhập hạt điều thành phẩm từ nơi khác, năm 2015 Công ty mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, công nghệ rang sấy hạt điều, chính thức ra mắt thị trường sản phẩm hạt điều thành phẩm “made in Gia Lai” với thương hiệu Hạt điều rang củi Hải Bình.

Đồng thời, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm, Công ty đã phối hợp với chuỗi siêu thị Big C, hệ thống siêu thị Mini Mart, hệ thống cửa hàng Organic (thực phẩm sạch) ở TP. Hồ Chí Minh đưa hạt điều rang củi Hải Bình có mặt khắp cả nước. “Đặc biệt, Công ty còn phối hợp với Công ty Phước Sơn Việt để đưa hàng vào hệ thống Sân bay Tân Sơn Nhất và tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước”-ông Lưu Hoàng Sơn nhấn mạnh.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.