Nhiều công trình xây dựng cơ bản chậm giải ngân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thời điểm hiện tại, khối lượng của các công trình, dự án trong tỉnh đã thực hiện ước đạt 78,03% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt 68,02% kế hoạch. Tình hình cho thấy nhiều công trình có khối lượng thực hiện khá cao nhưng chủ đầu tư chưa nghiệm thu thanh toán mà đợi đến 31-12 mới chốt khối lượng thanh toán. Theo đó, vẫn còn 9/49 chủ đầu tư thực hiện giải ngân thấp và chưa thực hiện giải ngân.

   Một công trình đang được xây dựng.
Một công trình đang được xây dựng.

Nhìn chung, các chủ đầu tư là UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư là các Sở, ngành, giải ngân đạt kế hoạch đã được giao. Tuy nhiên, vẫn còn tới 8 chủ đầu tư thực hiện giải ngân dưới 50% như: Phú Thiện, Liên đoàn Lao động, Chi cục Quản lý Thị trường, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu Kinh tế, huyện Krông Pa, Ayun thị xã Pa và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Biển Hồ.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án khởi công mới còn quá chậm, nên đến nay vẫn còn 5 dự án chưa hoàn thành thủ tục để triển khai thi công, như dự án Nhà máy nước thị trấn Kông Chro hiện dự án mới đang xét thầu, dự kiến cuối tháng 12-2015 mới triển khai thi công. Dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Thiện cũng chỉ mới phê duyệt thiết kế-dự toán...

Công trình chuyển tiếp năm 2015 bố trí vốn cho 69 công trình, dự án, tới nay mới giải ngân được 66,5%. Một số dự án trọng điểm có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Có thể kể tới như kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) mới giải ngân 40,14%, hệ thống nước sinh hoạt huyện Đức Cơ cũng chỉ mới giải ngân 3,34% kế hoạch.

Nguyên nhân dẫn tới tiến độ giải ngân các công trình, dự án đạt thấp thì nhiều (cả chủ quan lẫn khách quan) tuy nhiên chủ yếu là bởi thời gian từ khi triển khai lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đến tổ chức thi công, thanh-quyết toán... mất nhiều thời gian. Nhiều chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn còn yếu về chuyên môn, năng lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhiệm vụ chất lượng khảo sát, tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công chưa đảm bảo, nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.

Thực tế cho thấy việc tham mưu, điều hành của các phòng ban chuyên môn ở địa phương còn chậm và lúng túng, năng lực của chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm và chưa  phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý, triển khai dự án. Các nhà thầu thi công chậm trễ là do hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật, đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật, máy móc không đáp ứng được yêu cầu. Một số nhà thầu có năng lực nhưng do triển khai nhiều công trình cùng một lúc nên không tránh khỏi chậm trễ.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 1.642,226 tỷ đồng (chưa tính gần 217 tỷ đồng từ các nguồn vốn như tiền sử dụng đất của các địa phương, tiền trích nộp phát triển đất, vốn vay ngân hàng...). Trong đó, vốn ngân sách trung ương 928,5 tỷ đồng (hiện khối lượng thực hiện đạt 669 tỷ đồng/928,5 tỷ đồng, đạt 72,05% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt 61,8%); vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình MTQG 136,7 tỷ đồng (đến 15-12, khối lượng hoàn thành đạt 126 tỷ đồng/136,7 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân gần 79%); vốn ngân sách tỉnh trên 577 tỷ đồng (khối lượng thực hiện đến nay là 522 tỷ đồng/622 tỷ đồng, đạt 83,8% kế hoạch, đã giải ngân được 74,9%). Từ các nguồn vốn trên, tỉnh đã phân bổ, đầu tư 126 công trình, dự án khởi công mới và 48 công trình, dự án chuyển tiếp.

Đầu tư xây dựng cơ bản là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế khiến tiến độ giải ngân khá chậm. Tập trung có trọng tâm, trọng điểm là giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế sự dàn trải, lãng phí trong đầu tư công. Trong tất cả các cuộc họp có liên quan, UBND tỉnh đều đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Gần đây nhất, trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND tỉnh cũng đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: để không bị cắt vốn đầu tư năm 2015, các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thi công, đôn đốc các đơn vị thanh toán vốn kịp thời. Những đề nghị kéo dài vốn thanh toán sang năm 2016 phải được báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31-12 để Sở báo cáo với UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Trường hợp giải ngân không hết vốn và không được các bộ, ngành Trung ương cho chuyển vốn sang năm 2016 thì các chủ đầu tư tự bảo đảm phần vốn còn lại để hoàn thành công trình và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.