Không thể hoàn thành kế hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thời điểm hiện tại, khối lượng công trình, dự án khởi công mới đã thực hiện ước đạt 58,38% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt 51,4% kế hoạch; đối với các công trình chuyển tiếp, khối lượng thực hiện đến nay cũng chỉ đạt 57,73% và giải ngân 51,83%, trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2015. Theo đó, việc hoàn thành kế hoạch năm có thể nói là không đạt được.

Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm triển khai làm ảnh hưởng đến đời sống người dân (ảnh minh họa)
Nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm triển khai làm ảnh hưởng đến đời sống người dân (ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 1.642,226 tỷ đồng (chưa bao gồm gần 217 tỷ đồng từ các nguồn vốn như tiền sử dụng đất của các địa phương, tiền trích nộp phát triển đất, vốn vay ngân hàng...). Trong đó, vốn ngân sách trung ương 928,5 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 136,7 tỷ đồng; và vốn ngân sách tỉnh trên 577 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn trên, tỉnh đã phân bổ, đầu tư 126 công trình, dự án khởi công mới và 48 công trình, dự án chuyển tiếp. Hiện, với các công trình, dự án khởi công mới, đã có 47 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng; 72 công trình đang triển khai thi công; còn 3 công trình, dự án đang điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và 4 công trình đang lập kế hoạch đấu thầu. Việc bố trí vốn như trên là phù hợp với tổng mức đầu tư được duyệt và đảm bảo đủ vốn để thực hiện các dự án theo tiến độ, trong đó ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh. Nhờ vậy, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, chỉnh trang đô thị...

Song bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án khởi công mới còn quá chậm, bởi vậy tới nay vẫn còn 7 dự án chưa hoàn thành thủ tục để triển khai thi công. Đáng chú ý có dự án Nhà máy nước thị trấn Kông Chro với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, kế hoạch giao trong năm 2015 là 14 tỷ đồng. Hiện công trình đang ở giai đoạn chỉnh sửa hồ sơ thiết kế-dự toán. Chủ đầu tư đã cam kết trong tháng 12 sẽ triển khai thi công và dự kiến đến 31-12 sẽ thanh toán khoảng 7 tỷ đồng cho đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, chi phí quản lý dự án, đền bù giải phóng mặt bằng và tạm ứng vốn cho nhà thầu thi công.

Dự án hoàn thiện hạ tầng Khu Du lịch Biển Hồ (do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư) có tổng mức đầu tư 28,576 tỷ đồng, kế hoạch giao 14 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, nhưng mới mở thầu ngày 26-10. Chủ đầu tư cho biết, đến cuối tháng 12, dự án sẽ giải ngân hết vốn. Các dự án khác như hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Phú Thiện (tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng) đến tháng 12 mới triển khai thi công; dự án bố trí dân cư tự do huyện Chư Prông (tổng mức đầu tư 38,4 tỷ đồng), chủ đầu tư cam kết hoàn thành trước 31-12-2015; dự án đền bù di dân tái định cư hệ thống thủy lợi hồ Ia Mlah, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa  (kế hoạch giao 11,7 tỷ đồng) đang trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu...

Bên cạnh một số dự án chậm triển khai, tỷ lệ giải ngân một số công trình trọng điểm cũng rất thấp. Kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) có kế hoạch vốn năm 2015 là 30 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân 0,13% (39 triệu đồng). Hệ thống nước sinh hoạt huyện Đức Cơ, kế hoạch năm 2015 giao 14 tỷ đồng nhưng hiện chỉ mới giải ngân 295 triệu đồng, tức đạt 2,11%. Dự án nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường, đơn vị chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Dự án chủ yếu là đầu tư trang-thiết bị, hiện những trang-thiết bị này đang trong quá trình nghiệm thu, còn mặt bằng vẫn chưa được tỉnh cấp để lắp đặt, vận hành. Đó là lý do khiến dự án có tỷ lệ giải ngân thấp”. Hiện dự án mới giải ngân được 0,39% so với kế hoạch (35 triệu đồng).
    
Có thể thấy, mặc dù thủ tục đầu tư đã được hoàn thiện theo hướng phân cấp cho địa phương, chủ đầu tư và các sở chuyên ngành, song thực tế, thời gian từ khi triển khai lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đến tổ chức thi công, thanh-quyết toán... vẫn mất nhiều thời gian. Chưa kể Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015 có rất nhiều quy định khác so với Luật Xây dựng năm 2003 khiến nhiều công trình, dự án phải điều chỉnh, các sở ngành bị động trong công tác phê duyệt và nhiều quy định đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Đây được coi là những nguyên nhân chính khiến các công trình, dự án bị chậm tiến độ ngay từ đầu.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm