Nông dân tự ủ phân hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi tham gia các lớp tập huấn về trồng rau an toàn do Hội Nông dân huyện tổ chức, bà Trần Thị Hồng Yến (làng Sô Ma Hang A, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) bắt đầu nghiên cứu cách ủ phân bón từ xác cá. Theo bà Yến, làm phân bón từ xác cá khá đơn giản. Nguyên liệu chủ yếu là các loại cá nhỏ được mua ở chợ hoặc các trang trại nuôi cá trên địa bàn. 100 kg cá, 10 kg rỉ mật mía, 2 kg men vi sinh, vài quả trứng gà, sữa tươi và nước ủ trong 2 tháng là có thể bón cho cây trồng.

Sau khi bón phân, vườn rau phát triển tốt, tuổi thọ cây rau ngót có thể kéo dài 8-10 năm, lá dày và khi nấu chín có màu xanh tự nhiên chứ không xanh đen như trước. Nhờ vậy, thương lái đặt mua rau tại vườn. Bên cạnh đó, nhờ ủ phân bón từ xác cá, bà còn giảm được 20% chi phí so với bón phân hữu cơ. Từ những lợi ích thiết thực này, bà Yến tiếp tục ủ để có phân bón cho vườn ổi và chanh dây.

 Bà Trần Thị Hồng Yến tưới và phun rau từ phân bón tự ủ bằng hình béc tưới. Ảnh: Nhật Hào
Bà Trần Thị Hồng Yến bón phân tự ủ cho rau. Ảnh: Nhật Hào



Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, cộng với thị trường ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) cũng đã chú trọng thu gom chất thải từ chăn nuôi bò, dê để làm phân hữu cơ bón cho vườn cây. Ông Vốt  (làng Brếp, xã Đak Djrăng) cho biết: Cứ 5 tấn phân chuồng, rơm và vỏ cà phê thì ủ kèm với 1 kg men trichoderma. Sau gần 2 tháng, ông đem ra bón cho cây trồng. Nhờ cách làm này mà gia đình ông kéo giảm đáng kể chi phí mua phân bón; chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý nên hạn chế mùi hôi, hạn chế nấm bệnh gây hại cho cây trồng, vừa cải tạo đất giúp cây trồng phát triển tốt. Năng suất vườn cà phê của ông Vốt đạt khoảng 15-20 kg quả tươi/cây, cao hơn nhiều so với trước đây chỉ 5-10 kg quả tươi/cây.

Không chỉ bà Yến, ông Vốt, hiện nay, nhiều hộ dân đã chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học. Bên cạnh việc mua phân bón hữu cơ sẵn có tại các cửa hàng, nhiều nông dân còn tận dụng các phế phẩm để làm ra các loại phân hữu cơ. Tùy theo nguyên liệu mà có quy trình và liều lượng ủ phân khác nhau. Trong đó, phổ biến là ủ phân gia súc, xác cá, các phế phẩm nông nghiệp hoặc cỏ, rác thải nhà bếp.

Theo các chuyên gia, trong quá trình ủ, nhiệt độ tăng cao sẽ tiêu diệt các loài mầm bệnh, hạn chế sự nảy mầm của các hạt cỏ trong phân. Khi bón phân hữu cơ, các chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ sau khi phân hủy sẽ cung cấp mùn cho đất, làm tăng độ pH, giảm độ chua của đất và tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật trong đất phát triển, từ đó, giúp cho đất tơi xốp hơn, giảm sâu bệnh cho cây trồng. Cách làm này không chỉ giúp người dân giảm chi phí trước “bão giá” vật tư nông nghiệp mà còn góp phần cải thiện môi trường đất, tăng sức bền cho các loại cây trồng cũng như thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học của người dân để tạo ra sản phẩm an toàn.

 

NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.