"Cầu nối" giúp hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò “cầu nối” giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Toàn tỉnh hiện có 376 HTX, 2 liên hiệp HTX và 504 tổ hợp tác. Trong đó, 307 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 46 HTX ngưng hoạt động, 23 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và 9 HTX đã giải thể. Tổng số thành viên của các HTX là 18.063 người. Trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới 32 HTX, đạt 128% chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh và đạt 103,2% kế hoạch UBND tỉnh giao. Tổng vốn điều lệ của các HTX đạt hơn 762 tỷ đồng, doanh thu 9 tháng năm 2022 ước đạt hơn 94 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước hơn 2,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho biết: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, địa phương, thời gian qua, kinh tế tập thể, HTX của tỉnh tiếp tục được củng cố và có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong đó, 298 HTX nông nghiệp với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là làm dịch vụ thủy lợi, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chăn nuôi gia súc; trồng, chăm sóc hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả… hoạt động ổn định đã giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho các thành viên và góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, thương mại vẫn duy trì hoạt động ổn định và từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh…
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku) sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh (TP. Pleiku) sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn này, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã kịp thời hướng dẫn các HTX làm thủ tục hồ sơ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, 4 HTX được vay khoảng 7,6 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Trường Hải-Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đak Pơ-cho biết: “Mỗi ngày, HTX có khoảng 6 chuyến xe vận chuyển rau củ quả cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Trung. Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh vận tải ngày càng tăng, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX đã vay 5,5 tỷ đồng mua thêm 4 xe tải đưa vào hoạt động. Đây là tiền đề giúp HTX phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên”.
Còn bà Lê Thị Quỳnh Trang-Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) thì cho hay: “Trước đây, HTX rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay. Năm 2020, HTX được Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Nhờ có nguồn vốn này, hiện nay, HTX đã bổ sung thêm máy móc hiện đại thực hiện cơ giới hóa nhiều khâu trong trồng, chăm sóc, thu hoạch cây mía, lúa theo hướng bền vững”.
HTX Nông nghiệp Tân Tiến cơ giới hóa trong khâu thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Diệp
HTX Nông nghiệp Tân Tiến cơ giới hóa trong khâu thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin thêm: Hiện nay, các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động có doanh thu và lợi nhuận ổn định. Các HTX nông nghiệp chủ động hướng dẫn thành viên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trồng, chăm sóc các loại cây có giá trị kinh tế, đầu ra ổn định. Đặc biệt, một số HTX bắt đầu chú trọng sản xuất các sản phẩm có chứng nhận truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị trên thị trường. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với một số chi nhánh ngân hàng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các HTX trong việc vay vốn sản xuất kinh doanh. Mặc dù kinh tế tập thể, HTX đã có những chuyển biến tích cực, song nhìn chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều HTX thiếu vốn đầu tư sản xuất do không có tài sản thế chấp, phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với thị trường. Đặc biệt, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý các HTX còn hạn chế; các HTX thiếu liên kết, trao đổi kinh nghiệm học tập mô hình lẫn nhau; việc liên kết giữa HTX với doanh nghiệp còn ít.
“Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh sẽ hoàn thành dự thảo Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh phù hợp với Nghị định số 145/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trình UBND tỉnh phê duyệt với số vốn tối thiểu khoảng 20 tỷ đồng để các HTX tiếp cận vay vốn sản xuất kinh doanh. Chúng tôi phấn đấu đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh vào hoạt động năm 2023. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh sẽ đề xuất Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam bổ sung thêm nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho các HTX của tỉnh được tiếp cận vay vốn sản xuất kinh doanh đúng mục đích”-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết thêm.
NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.