Tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 6 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người dân trong tỉnh từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất và hiệu quả kinh tế được nâng lên đáng kể. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có, Gia Lai đang ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Gia tăng giá trị sản xuất

Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả khả quan. Tư duy sản xuất của người dân từng bước thay đổi, nhiều bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng dần qua từng năm, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh ngày càng được nâng cao cả về chất lượng lẫn giá trị.

 Trồng cam, quýt mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh
Trồng cam, quýt mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh


Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, chuyển biến rõ nét nhất sau gần 6 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống chất lượng vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Điển hình như cây cà phê, thay vì tập trung mở rộng diện tích thì người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, tưới tiết kiệm nước để tăng năng suất, chất lượng; tập trung vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo các chứng nhận về nông nghiệp sạch gắn với chế biến. Qua đó, tạo ra những sản phẩm OCOP đặc trưng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đến nay, huyện Đak Đoa đã có 25 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) là một trong những đơn vị tiên phong tổ chức liên kết sản xuất hồ tiêu, cà phê theo các tiêu chuẩn của nông nghiệp sạch gắn với Chương trình OCOP. Đến nay, HTX đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao là bộ sản phẩm hồ tiêu Lệ Chí (tiêu đỏ, tiêu đen, tiêu sọ) và 2 sản phẩm 3 sao là tiêu muối một nắng và cà phê rang xay Đak Yang. Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho biết: “Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định sản xuất hồ tiêu, cà phê theo các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, bền vững; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên”.

Tương tự, HTX Sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cũng chọn hướng sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững. Năm 2017, HTX đã liên kết với Công ty Vĩnh Hiệp canh tác cà phê theo tiêu chuẩn 4C với diện tích 150 ha. Ông Nguyễn Đình Trung-Giám đốc HTX-thông tin: “Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên HTX và hộ dân được chuyển giao các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mọi quy trình sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả, tăng năng suất và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, các hộ dân còn được HTX tạo điều kiện mua phân bón rẻ hơn thị trường, Công ty cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 200-400 đồng/kg cà phê nhân”.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm) thì cho hay: “Từ khi tham gia HTX, năng suất, chất lượng, thu nhập từ 2 ha cà phê của gia đình tăng lên đáng kể. Bình quân mỗi năm đạt trên 5 tấn/ha, tăng khoảng 20% so với trước đây. Tất cả quy trình sản xuất được HTX, Công ty và các hộ dân giám sát chéo, có nhật ký nông hộ theo dõi nên vừa giảm chi phí, vừa tăng năng suất”.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 227.176 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic…; trong đó, 46.307 ha cây trồng có chứng nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 55 mã số vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, khoảng 231.000 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đối tượng tham gia liên kết gồm 81 HTX, 72 tổ hợp tác, hơn 11.860 hộ nông dân và trên 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi liên kết. Ngoài ra, toàn tỉnh đã có 214 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Đây là động lực để các chủ thể tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh những mặt hàng nông sản đặc trưng, đầu tư nâng tầm tham gia Chương trình OCOP cũng như góp phần nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như sử dụng giống cấy mô nhập khẩu, cơ giới hóa khâu làm đất, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái. Ảnh: Quang Tấn
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái. Ảnh: Quang Tấn


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Quá trình cơ cấu ngành nông nghiệp còn tương đối chậm, chưa thích ứng kịp sự biến đổi về khí hậu và thị trường, chưa thực sự phát huy lợi thế của địa phương. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế… “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tham mưu giúp UBND huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”-ông Hợp nói.

Còn Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP; đồng thời kiện toàn bộ máy HTX theo mô hình HTX kiểu mới để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với chế biến. Cùng với đó, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nhà máy chế biến sâu nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng giá trị chế biến nông-lâm-thủy sản; hình thành các chuỗi liên kết lớn kết hợp phát triển HTX; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: hồ tiêu, cà phê, rau quả, dược liệu… Đặc biệt, chú trọng thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chủ lực nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Cùng với đó, tập trung phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến; xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết, mạng lưới phân phối, tiêu thụ và xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

 

 QUANG TẤN

 

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.