Giai đoạn 2022-2030, Gia Lai phấn đấu chuyển đổi 81.500 ha cây trồng kém hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 3-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành báo cáo về việc đề nghị phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kpă Thuyên, Hồ Phước Thành chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; liên minh hợp tác xã và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 17 huyện, thị xã, thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Lê Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Nam



Tại cuộc họp, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Giá trị sản xuất ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn với trên 83% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh tăng trưởng bình quân 5,18%/năm. Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 38.637,8 ha cây trồng kém hiệu quả (4.098,7 ha đất trồng lúa và 34.539,1 ha cây trồng khác (cao su, mía, hồ tiêu, điều, mì...) sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: khoai lang Nhật, khoai tây, rau đậu đỗ các loại, cây ăn quả, cây dược liệu và ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế ngành trồng trọt hiện nay của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, năm 2020, giá trị sản phẩm chỉ đạt 74,37 triệu đồng/ha (cả nước đạt 102,8 triệu đồng/ha); việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng hạn ở một số địa phương triển khai chưa hiệu quả; sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp còn hạn chế; sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững; việc xúc tiến thương mại, xây dựng mã số vùng trồng, nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gặp nhiều khó khăn; năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa cải thiện nhiều.


Theo đó, việc xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết. Mục tiêu của Đề án là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giá trị sản xuất; thu nhập/đơn vị diện tích đất trồng trọt sau khi thực hiện chuyển đổi, tăng ít nhất 25% so với trước khi chuyển đổi; phấn đấu giai đoạn 2022-2030 chuyển đổi 81.500 ha cây trồng kém hiệu quả các loại (6.000 ha đất trồng lúa; 75.500 ha đất trồng cây khác như: mía 12.599 ha, mì 19.542 ha, điều 9.568 ha,, hồ tiêu 1.139 ha, cao su 32.652 ha…). Đến năm 2025, giá trị sản xuất trên 1 ha chuyển đổi đạt khoảng 150-200 triệu đồng và đến năm 2030 đạt khoảng 250 triệu đồng. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án khoảng 10.140,5 tỷ đồng (giai đoạn 2022-2025 khoảng 10.060,5 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 khoảng 80 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 604 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách khoảng 9.536,5 tỷ đồng.

Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu về việc xây dựng đề án. Ảnh: Lê Nam
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Nam


Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ghi nhận sự chuẩn bị của Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình xây dựng Đề án. Tuy nhiên, để Đề án thực sự mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương cần đánh giá cụ thể việc chuyển đổi cây trồng trong giai đoạn 2016-2021 so với trước khi chuyển đổi; cần phải rà soát, đánh giá lại thực trạng, hiện trạng sản xuất, tính toán kỹ lưỡng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo tính phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng vùng, cũng như nhu cầu thực tiễn của thị trường đối với từng loại cây trồng. Chuyển đổi cây trồng, sản xuất phải đảm bảo phù hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần kết hợp trong chuyển đổi cây trồng gắn với phát triển chăn nuôi, trồng rừng để mạng lại hiệu quả kinh tế.    

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng lưu ý ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, mở rộng, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với bà con nông dân, trong đó doanh nghiệp phải là “bà đỡ” cho hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp; phải đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Tăng cường quản lý nguồn giống, đây là khâu rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; cơ chế chính sách thực hiện phù hợp trong việc hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cây trồng. Nguồn vốn thực hiện Đề án, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn cần huy động nhiều nguồn lực khác, sự góp vốn từ hệ thống các ngân hàng, các doanh nghiệp và sự đóng góp của người dân. Phải xác định kỹ các nhu cầu chuyển đổi và tăng tốc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.