Làm giàu nhờ chọn hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ chịu khó học hỏi, mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất nên không ít nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai có thu nhập khá, đồng thời cung cấp ra thị trường những sản phẩm mới lạ, độc đáo.

Quất Tết “made in Tây Nguyên”

Ông Triệu Văn Dặm (SN 1956, trú tại tổ 5, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) có 20 năm gắn bó với nghề trồng quất kiểng. Ông chia sẻ: “Tôi sinh ra ở vùng đất có nghề trồng hoa, cây cảnh thuộc xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Gia đình nhiều đời làm nghề trồng quất Tết. Năm 1996, gia đình chuyển vào sinh sống tại Gia Lai. Sau 8 năm tạm xa nghề trồng quất Tết để bầu bạn với cà phê, hồ tiêu, năm 2004, tôi quyết tâm quay lại nghề cũ. Trước đây, cứ dạo cận Tết, tôi lại đưa quất đi bán ở Bình Định, Phú Yên, Đak Lak, Kon Tum... Từ năm 2015, nhu cầu mua quất chưng Tết tại Gia Lai đã nhiều hơn, phần vì tuổi cao sức yếu, tôi chỉ bán quất tại chợ hoa Xuân huyện Mang Yang và TP. Pleiku. Trung bình mỗi năm, nghề trồng quất Tết đem lại cho gia đình trên dưới 200 triệu đồng”.

Ông Triệu Văn Dặm chăm sóc vườn quất Tết. Ảnh: Lê Hòa
Ông Triệu Văn Dặm chăm sóc vườn quất Tết. Ảnh: Hải Lê 


Quỹ đất ông Dặm dùng để trồng quất Tết chỉ khoảng 3 sào. Để chăm được một cây quất Tết đẹp, thông thường phải mất 3 năm. Thời gian đầu, ông chiết cành để nhân giống. Bước qua năm thứ 3 cũng là năm quyết định để đưa ra chợ bán nên việc chăm sóc phải thường xuyên hơn. “Người làm nghề chúng tôi có câu: “Mít chuyển cành, chanh chuyển rễ”, với loài chanh hay quất cần phải được đánh cây, chuyển qua trồng trên đất mới thì quả ra mới đều đẹp và to. Thời điểm chuyển rễ thích hợp nhất là tháng 4 hàng năm. Sau chuyển rễ tầm 1 tháng, quất sẽ ra bông. Lúc này, nhà vườn thường xuyên phun thuốc diệt ruồi vàng, nhện… để phòng bệnh cho cây. Nói chung, trồng quất không tốn nhiều chi phí vốn mà chủ yếu công chăm sóc, tưới tắm thường xuyên và quan trọng nhất là phải nắm vững kỹ thuật”-ông Dặm chia sẻ.

Cũng theo ông Dặm, việc trồng quất Tết ở Tây Nguyên không hề dễ dàng. Trước Tết, tiết trời Tây Nguyên nhiều nắng và gió, việc giữ cho lá xanh tươi và quả quất bóng mượt, vàng óng đòi hỏi sự chăm chút kỹ càng. “Vườn quất nhà tôi đã thích nghi với khí hậu Tây Nguyên nên lúc nào cũng tươi tắn. Có những cây quất tôi bán cho khách hơn nửa năm vẫn xanh tốt, còn quả trên cây. Cũng nhờ vậy mà nhà vườn chưa năm nào ế quất Tết cả. So với làm cà phê, hồ tiêu thì trồng quất Tết đỡ vất vả và lợi nhuận tốt hơn nhiều”-ông Dặm nói trong niềm tự hào.

Nuôi chim trĩ “một vốn, bốn lời”

Cách đây hơn 1 năm, anh Nguyễn Duy Thức (SN 1993, trú tại thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) đã thử nghiệm nuôi chim trĩ thương phẩm và thu được tín hiệu khả quan. Để bắt tay thực hiện ý tưởng, anh Thức dành 10 triệu đồng tìm mua 5 cặp chim trĩ giống về nuôi. Vốn ít, anh tự ấp trứng chim trĩ để lấy giống nhân đàn. Việc ấp trứng, nuôi dưỡng chim trĩ khi còn non khá phức tạp. Tuy nhiên, nhờ chịu khó học hỏi, anh đã sớm nắm được kỹ thuật để ấp trứng và chăm sóc chim trĩ con.

Anh Thức chia sẻ: Thức ăn cho chim trĩ rất dễ tìm, phần lớn là rau xanh hoặc cỏ trộn với cám tổng hợp. Chim mái đẻ trứng liên tục trong 8 tháng, sau đó nghỉ 4 tháng. Để có trứng chim trĩ ấp giống, giai đoạn chim mái đẻ trứng sẽ được tách đàn và đưa về nhốt trong các phòng nuôi riêng biệt chỉ rộng chừng 1 m2 với khoảng 3 con mái và 1 con trống. Giai đoạn này, khẩu phần ăn cho chim bố mẹ phải được tăng lượng và chất để đảm bảo tỷ lệ trứng ấp nở thành công.

 Anh Nguyễn Duy Thức (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) chăm sóc đàn chim trĩ. Ảnh: Hải Lê
Anh Nguyễn Duy Thức (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) chăm sóc đàn chim trĩ. Ảnh: Hải Lê


Chim trĩ có hình thức khá đẹp mắt, bởi vậy có một số gia đình thường mua về nuôi làm cảnh. Người xưa còn coi thịt chim trĩ là món đại bổ, “quý như sâm” và là một trong những loại thực phẩm cung tiến các bậc vua chúa. Chim trĩ nuôi khoảng 7 tháng sẽ đạt tiêu chuẩn xuất chuồng. Khi đó, trọng lượng đạt 1,3-1,4 kg/con chim mái và 1,6-1,7 kg/con chim trống, giá bán 250 ngàn đồng/kg. Hiện nay, trại nuôi của anh Thức đã nhân đàn lên khoảng 200 cá thể chim trĩ trưởng thành. Từ số vốn ban đầu chỉ 10 triệu đồng tiền giống, chưa đầy 2 năm sau, trang trại nuôi chim trĩ của anh Thức đã phát triển lên quy mô hàng trăm con với nguồn thu nhập ổn định nhờ cung ứng cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Trồng chuối mốc Thái Lan

Năm 2021, anh Lê Quang Hợp (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) bắt tay thử nghiệm trồng 2 ha chuối Tây (chuối mốc) giống Thái Lan. Chuối mốc là loại cây không xa lạ với bà con nông dân và là sản phẩm có nhu cầu thị trường rộng lớn, nhất là vào dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, chuối mốc hầu như chỉ được xem như là cây trồng phụ trong vườn. Việc canh tác quy mô lớn và áp dụng chế độ chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đối với loại cây này lại chưa nhiều. “Tôi trồng 3.200 cây chuối mốc giống Thái Lan. Trải qua gần 2 năm canh tác, tôi nhận thấy giống chuối này đem lại hiệu quả kinh tế ổn hơn rất nhiều so với trồng cà phê, điều… Trung bình mỗi cây chuối mốc sẽ thu 15 kg, giá tôi bán tại vườn 4-5 ngàn đồng/kg vào ngày thường và tăng rất cao nếu vào dịp Tết Nguyên đán. Ước tính mỗi buồng chuối có giá 70-75 ngàn đồng vào ngày thường và tăng lên 250 ngàn đồng nếu thu vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tôi còn có thể thu nhập đến vài chục triệu đồng từ việc bán cây giống”-anh Hợp chia sẻ.

Theo anh Hợp, chuối mốc giống Thái Lan có nhiều ưu điểm như: dễ trồng và chăm sóc, chu kỳ khai thác dài, quả to, buồng nhiều nải và khi chín giữ được lâu hơn so với giống chuối mốc truyền thống. “Giống chuối mốc Thái Lan có thể cho thu 4-5 năm, trong khi các giống chuối mốc thông thường chỉ cho thu được 3 năm đã phải trồng lại. Điều này giúp nhà vườn tiết kiệm được chi phí đầu tư tái sản xuất. Hơn nữa, chuối mốc Thái Lan chịu được thời tiết nóng, phù hợp với vùng đất khắc nghiệt như Ia Piơr. Trung bình mỗi năm, 1 ha chuối có thể đem lại cho gia đình tôi nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng. Hơn nữa, nhờ phát triển giống mới nên sản phẩm bán ra thị trường ít bị cạnh tranh, ép giá”-anh Hợp bày tỏ.
 

HẢI LÊ
 

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.