Nhân rộng mô hình canh tác sầu riêng sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành khảo sát và hỗ trợ người dân trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng nhằm hình thành vùng nguyên liệu bền vững.
Ông Hồ Sỹ Chương (làng Teng Nong, xã Ia Rong) cho biết: Sau khi vườn hồ tiêu bị chết hàng loạt, năm 2017, ông chuyển sang đầu tư trồng 290 cây sầu riêng giống Dona trên diện tích hơn 1 ha. Năm nay, vườn cây bước vào kinh doanh. “Tôi rất phấn khởi khi huyện quan tâm hỗ trợ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị cũng như đầu ra sản phẩm”-ông Chương nói.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Thủy (làng Ia Sâm, xã Ia Rong) thì chia sẻ: 2 ha sầu riêng của gia đình năm nay cho thu bói. Hiện UBND xã vận động thành lập Tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng. Đây là cơ hội để bà học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vườn cây theo hướng bền vững để có thu nhập ổn định.
Ông Chương bên vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Nguyễn Hồng
Ông Hồ Sỹ Chương (làng Teng Nong, xã Ia Rong) bên vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Nguyễn Hồng
Huyện Chư Pưh hiện có khoảng 1.780 ha cây ăn quả các loại, trong đó có hơn 276 ha sầu riêng. Mặc dù đã hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng, song do sản xuất còn nhỏ lẻ, người dân chưa liên kết để tạo thành vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Hiện chỉ có sản phẩm sầu riêng của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại chưa có sản phẩm xây dựng mã vùng trồng. Để hỗ trợ người dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… hướng đến mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và một số doanh nghiệp vận động bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng. Trước mắt, huyện triển khai thí điểm tại xã Ia Rong, sau đó nhân rộng trên địa bàn huyện.
Khảo sát xây dựng quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Rong (huyện Chư Pưh). Ảnh: Nguyễn Hồng
Khảo sát xây dựng quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Rong (huyện Chư Pưh). Ảnh: Nguyễn Hồng
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cây ăn quả hướng đến thị trường xuất khẩu, UBND huyện đã xây dựng Đề án vùng sản xuất chuyên canh các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày theo hướng phát triển bền vững nâng cao giá trị chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh nông sản giai đoạn 2022-2025. Chúng tôi đang vận động người dân xã Ia Rong thành lập Tổ liên kết sản xuất khoảng 20 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn xây dựng mã vùng trồng. Huyện cũng đã kết nối với một số doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu trên địa bàn để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch và người dân sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn của doanh nghiệp.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm sầu riêng cũng như các loại cây ăn quả khác nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”-ông Khánh nhấn mạnh.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.